Nhân rộng cây bưởi Diễn trên đất Tân Quang

15:36, 14/09/2016

Những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã đưa vào trồng thành công cây bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn thu từ loại cây trồng này góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con.

Cùng chúng tôi đi thăm những vườn bưởi Diễn quả sai lúc lỉu, bà Ngô Thị Chi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang chia sẻ: Cây bưởi diễn bén rễ ở đây như một cái duyên, bởi người mang loại cây này về trồng không phải người “bản địa”. Ông là Nguyễn Quang Yên, quê ở xã Đắc Sơn, huyện Hoài Đức (Hà Nội), thường lên tỉnh Thái Nguyên mua hoa quả về bán tại chợ Long Biên. Nhận thấy chất đất ở xã Tân Quang phù hợp với loại cây này, năm 1984, ông đã quyết định mua hơn 6.000m2 đất vườn đồi tại xóm Làng Dỗ để trồng 600 gốc bưởi Diễn và trở thành công dân của xã. Cũng kể từ đó, ông Yên đã nhân giống và hướng dẫn người dân trong xã trồng loại cây này. Ban đầu, bà con chỉ trồng rải rác mỗi nhà một vài cây, đến nay cả xã đã có hơn 70 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30ha, tập trung ở các xóm: Làng Dỗ, Làng Vai, Tân Mỹ 1, Tân Mỹ 2... Hiện nay, trên 70% diện tích bưởi ở đây đã cho thu hoạch, số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên có tới hàng chục hộ.

 

Theo con đường đất nhỏ hẹp, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Phú, ở xóm Làng Dỗ, một trong những nông dân trồng bưởi Diễn nức tiếng của xã. Được tận mắt ngắm nhìn những quả bưởi to tròn mới cảm nhận được tâm huyết của chủ vườn đối với loại cây này. Ông Phú chia sẻ: Năm 2007, ông mua hơn 100 cây bưởi Diễn về trồng thử nghiệm. Sau gần 5 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên ông đã quyết định mua thêm hơn 200 gốc về trồng. Nâng niu những trái bưởi chuẩn bị cho thu hoạch, ông Phú nhớ lại: Trước đây, với gần 1ha vườn đồi này, tôi trồng một số loại cây ăn quả như: na, vải, hồng nhưng hiệu quả không cao nên đã phá bỏ để trồng bưởi diễn. Bình quân hiện nay, mỗi cây bưởi cho thu hoạch trên dưới 100 quả, với giá bán bình quân từ 20-25 nghìn đồng/quả, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm... Từ nguồn thu này, ông Phú đã mở rộng thêm diện tích vườn để trồng xen kẽ một số loại cây ăn quả khác (như táo, thanh long...) để tăng thu nhập.

 

Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng bưởi diễn, ông Trần Văn Tân cùng ở xóm Làng Dỗ cho hay: Trồng loại cây này không quá khó nhưng người trồng phải chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật hãm lộc và kích thích đậu quả khi bưởi ra hoa. Bưởi Diễn sẽ thu hoạch vào tháng 11, do vậy, từ tháng 6 trở đi, người trồng không nên bón phân chuồng nữa mà nên bón kali để kích thích cây đậu quả. Trong thời tiết nắng nóng, xung quanh gốc không nên làm cỏ quá sạch để giữ độ ẩm cũng như hạn chế quả bị rám nắng do nhiệt độ cao. Ông Tân cũng cho biết thêm, bưởi diễn thường hay bị bệnh sâu đục thân, do vậy, muốn giữ được cho cây “trẻ lâu” cần phải thường xuyên theo dõi để phát hiện sâu bệnh kịp thời. Với 260 cây bưởi Diễn chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến năm nay gia đình ông thu lãi trên 80 triệu đồng.

 

Thực tế cho thấy, trồng bưởi diễn cho thu hoạch cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác, trong khi thị trường tiêu thụ đối với loại quả này là khá lớn. Trồng bưởi Diễn đã giúp cho cuộc sống của nhiều người dân xã Tân Quang thêm khấm khá. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm (năm 2014 là 20 triệu đồng). Đời sống được nâng cao, người dân đã cùng nhau đóng góp trên 13 tỷ đồng, hiến hơn 2,7ha đất để làm 30,5km đường giao thông nông thôn, xây mới 7 nhà văn hóa xóm, kênh mương nội đồng cơ bản được cứng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất...

 

Tuy nhiên, người trồng bưởi diễn nơi đây vẫn luôn trăn trở vì giá bán loại quả này vẫn còn bấp bênh, vào vụ thu hoạch cao nhất chỉ bán với giá khoảng 30 nghìn đồng/quả. Cùng với đó, do bà con chưa được tiếp cận nhiều với tiến bộ khoa học kỹ thuật nên việc trồng bưởi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Làm thế nào để bưởi Diễn Tân Quang có chỗ đứng trên thị trường hiện vẫn là một bài toán khó.