Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Thị trường vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý giá các mặt hàng trên vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, đa dạng về mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, một số hộ kinh doanh chưa hiểu hết các quy định của pháp luật, còn chạy theo lợi nhuận. Chị Đặng Thị Thái, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xóm Tân Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa) cho biết: Gia đình tôi bán thức ăn chăn nuôi và phân bón các loại cho bà con trong xã và các xã lân cận. Trung bình mỗi năm nhà tôi bán được trên 20 tấn thức ăn chăn nuôi và 600 tấn phân bón. Vừa bán hàng, tôi vừa tư vấn cho khách cách dùng sao cho đem lại hiệu quả cao nhất. Kinh doanh hơn 10 năm nay nhưng tôi chỉ thấy có các đoàn thanh tra, kiểm tra về chất lượng cám, phân bón và ngày sản xuất, nguồn gốc sản phẩm chứ chưa thấy ai đến kiểm tra về giá cả bao giờ. Còn chị Lương Thị Tuyến, chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thì cho biết: Tôi thường nhập các mặt hàng như giống lúa, giống ngô, thuốc bảo vệ thực vật của các công ty có uy tín trên thị trường để bán cho bà con, đảm bảo chất lượng, uy tín. Còn về giá cả thì tùy theo biến động lên xuống của thị trường, nếu nhà tôi mà bán đắt hơn so với các nơi khác thì sẽ không bán được hàng.
Cùng với giá giống cây trồng, giá giống vật nuôi cũng trong tình trạng quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều loại giống, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa được quản lý chặt chẽ. Việc người dân sử dụng giống không rõ nguồn gốc còn rất phổ biến. Do chủ quan, sợ tốn kém nên nhiều người dân vẫn cố tình mua các giống cây trồng, vật nuôi giá rẻ, kém chất lượng về gieo trồng. Và hậu quả là "mất cả chì lẫn chài". Trường hợp ông Ngô Xuân Thanh, ở tổ 2, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình. Vườn rộng, gia đình ông thường tận dụng hết diện tích để chăn nuôi gà, góp phần tăng thu nhập. Cuối năm 2015, do ham rẻ, ông đã mua giống gà lai chọi của tư thương về nuôi. Chỉ sau vài ngày, đàn gà hơn trăm con đã bị chết sạch do chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Cùng với việc "loạn giá" các loại vật tư nông nghiệp thì nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả cũng đang diễn ra khá phổ biến ở các huyện, thành, thị trong tỉnh. Chỉ đến khi nông dân phun thuốc không thấy khỏi sâu bệnh mới biết mình đã mua phải thuốc bảo vệ thực vật giả. Có người phải phun đến 3, 4 lần mới thấy có hiệu quả, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Tình trạng quản lý thức ăn chăn nuôi cũng có nhiều hạn chế tương tự, chất lượng chưa đạt yêu cầu, giá tăng cao và nhanh, người chăn nuôi cũng tự phối trộn phụ phẩm với thức ăn đậm đặc trong khi thức ăn đậm đặc chưa đảm bảo chất lượng như đã công bố... Do đó, năng suất vật nuôi hạn chế, không phát huy hết tiềm năng giống, tiêu tốn thức ăn, giảm hiệu quả chăn nuôi… Tất cả những hậu quả đó người nông dân phải gánh chịu. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là tại sao công tác quản lý về giá và chất lượng vật tư nông nghiệp lại kém hiệu quả như vậy?
Cùng Đoàn thanh tra của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh đi kiểm tra một số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy đoàn chỉ kiểm tra về các nội dung như: Thủ tục hành chính, chất lượng vật tư nông nghiệp, các loại vật tư trong danh mục và ngoài danh mục, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... chứ chưa kiểm tra về giá. Tại các chợ nông thôn, vẫn còn tình trạng người dân bày bán thuốc bảo vệ thực vật dưới đất và bán chung với các loại hàng hóa khác. Ngoài ra, khi xuất hiện đoàn kiểm tra, các hộ kinh doanh đều thông báo cho nhau và đóng cửa, không bán hàng, khiến việc thanh, kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Theo chị Nguyễn Phương Loan, Phó trưởng Phòng Quản lý giá, Sở Tài chính thì các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm kê khai giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng về Sở và phải bán theo giá đã đăng ký. Tỉnh chỉ phê duyệt giá giống một số loại cây trồng như: chè, cây lâm nghiệp..., còn lại do các đơn vị tự xây dựng phương án giá và gửi đăng ký giá đến Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - PTNT. Trong trường hợp nếu có biến động bất thường về giá hoặc có ý kiến phản ánh của người dân về việc giá bán của các doanh nghiệp không đúng với giá đăng ký, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Có thể nhìn thấy khá rõ sự bất cập giữa công tác quản lý giá vật tư nông nghiệp với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Qua khảo sát và kiểm tra thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại một số cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và hết hạn sử dụng gây thiệt hại cho người sản xuất. Còn nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm lỗi không có biển hiệu kinh doanh, nhãn hàng hóa ghi chưa đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại được bày bán chung với các loại hàng hóa khác. Và đa phần các cửa hàng, đại lý đều không niêm yết giá công khai theo quy định của Nhà nước. Cùng với đó, do mức xử phạt các lỗi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều trường hợp đã bị xử phạt rồi nhưng vẫn tái phạm.
Thiết nghĩ, để quản lý hiệu quả vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng và các địa phương cũng cần phối hợp làm tốt công tác thông tin tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc kinh doanh vật tư nông nghiệp để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; đầu tư trang thiết bị và bố trí kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.