Bơ vốn là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và giá bán tại tỉnh ta chưa bao giờ được cho là rẻ, có thời điểm thậm chí lên tới 50-60 nghìn đồng/kg. Do từ trước đến nay, bơ đều được các nhà buôn nhập về từ miền Nam nên trong suy nghĩ của mọi người, loại quả này không thể trồng được ở ngoài Bắc. Vậy nhưng trên thực tế, loại quả này hoàn toàn có thể trồng được trên mảnh đất Thái Nguyên, với chất lượng thơm ngon và mẫu mã to đẹp không thua kém bất cứ loại bơ nào đang được bày bán nhất trên thị trường…
Bơ là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất trong các loại trái cây, do đó, rất có lợi cho sức khỏe. Không chỉ dùng để ăn tươi, bơ còn được sử dụng làm mỹ phẩm, ép làm dầu ăn. Hiện có tới 40 loại bơ khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là loại bơ sáp. |
Bơ là loại cây dễ trồng và trồng được trên một số loại đất, khả năng thích nghi và chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khá tốt. Theo một số nhà nghiên cứu và người trồng bơ lâu năm, cây bơ được biết đến nhiều ở Tây Nguyên – nơi có loại đất bazan. Tuy nhiên, hiện nay, loại cây trồng này cũng đang trở nên phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để có vụ bơ đầu tiên, người trồng cần đợi ít nhất 3 năm đối với giống bơ lai ghép và từ 5-6 năm đối với giống bơ trồng bằng hạt mới. Nếu muốn đầu tư trồng cả một vườn bơ thì cần có sự tìm hiểu kỹ càng, chọn được giống tốt, có quy trình chăm sóc và bón phân hợp lý. Bơ thường ra hoa vào tháng 1-2 (âm lịch), có năm hết mưa sớm thì ra bông vào tháng 12 (âm lịch) và thu hoạch trái từ tháng 4 đến 5-6 (âm lịch). Khi cây ra bông phải hạn chế tưới nước vì tưới nước nhiều, cây sẽ ra đọt non và dễ làm rụng trái non… |
Chiều hôm đó đi làm về, tôi thấy trên bàn có mấy quả bơ trông rất bắt mắt liền hỏi cậu con trai thì mới biết đây là những quả bơ bói đầu tiên trong vườn của nhà anh chị chồng tôi. Vì từ trước đến nay, tôi chưa từng nghe ai đề cập tới trồng bơ trên đất Thái Nguyên nên những quả bơ này đã khiến tôi tò mò và không thể không tìm hiểu.
Theo lời chị dâu tôi - chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, tổ 42, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên): Cách đây khoảng 10 năm, sau khi mua bơ về ăn, chị đã đổ hạt ra một góc vườn. Một thời gian sau thấy nảy mầm và mọc thành cây nên đã bứng ra góc vườn bên cạnh cái ao trước nhà để trồng. Đầu năm nay, cây bắt đầu ra hoa, rồi cho ra lứa quả bói đầu tiên. Trong quá trình này, một số hoa và quả đã bị rơi rụng, số còn lại được ăn khi đã chín là khoảng hơn 30 quả.
Chị bảo: Không thể ngờ cây bơ có thể trồng tại vườn nhà mà cho ra những quả to, đẹp, ăn thơm ngon và bở đến thế. 5 quả bơ mà chị cho nhà tôi, có một điều khiến tôi vô cùng thích thú đó là rất đặc ruột và hạt khá nhỏ, nếu ăn đúng độ chín thì lòng bơ có màu xanh vàng hồng rất đẹp, ăn có mùi thơm, ngọt thảo, bở chắc, rất hấp dẫn. Vỏ quả bơ này khá mỏng nên không thể dùng tay bóc như một số loại bơ vẫn mua ở chợ mà phải dùng dao gọt xung quanh. Do là bơ bói, mọi người bảo kiêng không nên đặt lên bàn cân nên chị em tôi không ai dám cân thử, nhưng qua ước lượng, quả bơ to nhất cũng nặng khoảng 5 lạng, quả nhỏ cũng nặng trên dưới 2,5 lạng. Trọng lượng hạt chỉ chiếm ¼ đến 1/5 trọng lượng quả bơ và theo như chị bảo, thì đây là giống bơ sáp. Một quả bơ được cho là chưa phải to nhất khi thái ra, sắt thành từng miếng thì được hơn 2 cốc đầy loại 200ml. Trong khi đó, nếu mua ngoài chợ, tôi phải cần ít nhất 2 quả bơ.
Theo quan sát của tôi, từ khi lứa bơ bói còn chưa chín hết thì trên cây đã xuất hiện nhiều chùm quả non khác và hiện đã to bằng đầu ngón chân cái người trưởng thành. Mấy hôm trước do có mưa to nên một số quả đã bị rụng. Hiện còn lại khoảng trên dưới 40 quả non. Mặc dù đây là lứa bơ đầu tiên nhưng với kinh nghiệm của những người đã có nhiều năm trồng cây ăn quả, anh chị chồng tôi cho rằng, cây bơ hoàn toàn có thể trồng trên mảnh đất Thái Nguyên, với hiệu quả và chất lượng không thua kém gì trong Nam, mà không cần tốn nhiều công chăm sóc.
Tôi muốn kể ra đây câu chuyện về cây bơ của gia đình anh chị tôi để những ai quan tâm đến loại cây ăn quả này có thể tham khảo. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ đây có thể là một gợi ý để các cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiên cứu và biết đâu đó lại mở ra một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, người dân trên địa bàn tỉnh có thể được ăn những quả bơ trên chính mảnh đất của mình và nếu được như thế, chắc chắn giá bơ sẽ không còn cao như hiện nay vì đỡ đi phần cước vận chuyển hàng nghìn km đường từ Nam ra Bắc.