Năm 2013, tỉnh có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Cánh rừng mẫu lớn với diện tích 459,06ha, tại xã Quy Kỳ (Định Hóa) do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa thực hiện. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp sản xuất nông - lâm nghiệp và du lịch sinh thái, tạo thêm việc làm cho người dân. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có dự án thành phần nào trong Đề án được thực hiện. Trong khi một số hộ dân sinh sống ở nơi đây đang thiếu đất lâm nghiệp, mong muốn được Nhà nước giao đất, giao rừng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
TrNgày 19-9-2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1841/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Cánh rừng mẫu lớn, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa giai đoạn 2013-2020. Đề án gồm có 4 dự án thành phần; trong đó, xác định các loại cây trồng rừng bản địa là: Giổi xanh, Lim xanh, Chò chỉ, Trám trắng, Dẻ, Sấu... thâm canh rừng trồng sản xuất lựa chọn các loại cây: Keo, Mỡ, Bạch đàn, Sa mộc...; lâm sản phụ trồng dưới tán rừng như: Sả, Sa nhân, Ba kích, Mây nếp, Gừng, Đinh Lăng, Giảo cổ lam... Đến ngày 21-8-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2115/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án Đề án Cánh rừng mẫu lớn, tất cả 4 dự án thành phần đều được điều chỉnh trồng 1 loại cây quế với mật độ 5.000 cây/ha để phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu. Dự kiến sau 5 năm, doanh nghiệp có thể tỉa thưa cành, lá để phục vụ nhà máy chiết xuất các sản phẩm từ quế, sau 15 năm, tổng thu nhập từ cây quế ước đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
Bước đầu triển khai thực hiện Đề án, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa đã tổ chức 2 buổi hội nghị tuyên truyền để bà con nhân dân 3 xóm: Đăng Mò, Khuổi Tát và Khuân Câm, xã Quy Kỳ nắm được chủ trương, chính sách và những nội dung thực hiện Đề án. Đã có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư - phát triển rừng Việt Bắc (trụ sở tại phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) và Công TNHH Vũ Hoa (đóng chân trên địa bàn thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) xin chủ trương thực hiện đầu tư 3 dự án với quy mô 308,19ha, còn 1 dự án với quy mô 151,58ha chưa có đơn vị nào thực hiện. Và hiện mới chỉ có Công ty Đầu tư phát triển rừng Việt Bắc xây dựng Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng quế được UBND tỉnh phê duyệt; còn Công ty TNHH Vũ Hoa vẫn chưa xây dựng dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, một số hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng mong muốn được giao đất sản xuất để ổn định đời sống. Ngoài ra, việc thực hiện thuê khoán theo hợp đồng giữa các hộ dân ở các xóm Khuân Câm, Đăng Mò và Khuổi Tát, xã Quy Kỳ với Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa đến nay chưa hết hạn và chưa thanh lý hợp đồng. Hiện, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa mới tổ chức khai thác, thanh lý hợp đồng được trên 60ha. Còn khoảng trên 45ha chưa đến tuổi khai thác, người dân lo lắng nếu chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý thì sẽ bị mất quyền lợi; đồng thời, lại phải làm thuê cho doanh nghiệp. Vì thế, đến nay, Đề án vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Thụ, ở xóm Khuân Câm cho biết: Năm 2006, gia đình tôi nhận trồng 7ha rừng giao khoán với lâm trường Định Hóa (nay là Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa). Sau khi sản phẩm được khai thác, trừ các chi phí, chúng tôi được hưởng 70%, còn Ban được hưởng 30%. Bà con chúng tôi rất vui vẻ và không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm lăn lộn trên rừng chăm sóc, phát cỏ cho cây nhanh lớn để cho thu hoạch. Đáng nhẽ đến năm 2013 là chúng tôi được khai thác rừng nhưng không hiểu vì lý do gì đến tận năm 2016 bà con chúng tôi mới được khai thác, mất gần nửa thời gian trồng rừng của chu kỳ mới. Nhận được thông tin Nhà nước đầu tư xây dựng cánh rừng mẫu lớn, bà con rất phấn khởi. Nhưng chúng tôi cũng có mong muốn được tỉnh giao đất, giao rừng để cùng thực hiện với doanh nghiệp. Còn ông Hoàng Văn Học, một hộ dân ở cùng xóm băn khoăn: Nhà tôi cũng nhận giao khoán trồng rừng với diện tích 12ha. Năm 2016, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa đề nghị chúng tôi phải khai thác ồ ạt hết để bàn giao lại đất. Gắn bó với khu rừng nhiều năm, chúng tôi rất muốn được cấp đất để đầu tư trồng rừng, cải thiện đời sống. Còn trồng cây gì thì theo chủ trương của Đảng, Nhà nước chứ chúng tôi không dám làm sai.
Không chỉ riêng ông Thụ, ông Hoạch, trên địa bàn xã Quy Kỳ hiện còn có gần 50 hộ dân nằm trong vùng dự án đã làm đơn kiến nghị các cấp xin được giao đất, giao rừng. Trong số đó, có 23 hộ đã được giao đất với diện tích trên 5ha làm đơn với lý do đề nghị được cấp thêm nếu có, 10 hộ đã được giao với diện tích nhỏ hơn 5ha muốn xin thêm để cho các con chưa tách hộ, còn 17 hộ không được giao đất, giao rừng mong muốn được cấp đất để tập trung sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Đề án chậm tiến độ. Trong đó có cả nguyên nhân về phía người dân chưa đồng thuận thực hiện. Cụ thể, theo hợp đồng giao khoán giữa Ban và người dân thì sau khi khai thac, trừ các chi phí, bà con sẽ được hưởng 70%, còn Ban hưởng 30%, nhưng hiện nay người dân lại không đồng ý, đòi hưởng cả 100% và làm đơn đề nghị lên các cấp chính quyền. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong việc khai thác sản phẩm để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. Còn đối với khoảng 45ha rừng hiện chưa đến tuổi khai thác, chúng tôi đã trồng từ năm 2010, đến đầu năm 2017 là có thể khai thác hết và thanh lý hợp đồng với người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhanh chóng bàn giao diện tích đất đã giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Còn ông Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, chúng tôi đã có buổi làm việc gồm có Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường, lãnh đạo huyện Định Hóa, xã Quy Kỳ và 2 doanh nghiệp. Đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để xem xét nguyện vọng của người dân. Về vấn đề cấp đất cho 17 hộ dân vùng dự án, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Định Hóa tiến hành điều tra, thống kê, kiểm đếm và đề xuất phương án giao đất cho các hộ này. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong việc thực hiện Đề án.
Qua sự việc trên có thể thấy, trong quá trình thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ chủ trương để đồng thuận thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan và cấp chính quyền cũng cần quan tâm sâu sát hơn đến cơ sở, đời sống bà con vùng dự án, nắm được tâm tư, nguyện vọng để đưa ra những giải pháp hợp tình, hợp lý, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. Nhất là đối với bà con dân tộc sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 40% như xã Quy Kỳ.