80% vốn tín dụng được đưa vào sản xuất kinh doanh

18:03, 31/10/2016

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng có chuyển biến tích cực về cơ cấu khi 80% vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đến ngày 20/10, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,51% so với tháng 12 năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 10,38%); huy động vốn tăng 13,96% (cùng kỳ năm 2015 tăng 10,47%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 11,81% so với cuối năm 2015.

 

Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì  ổn định trong biên độ cho phép. Lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam hiện phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm.

 

Lãi suất cho vay tiền đồng Việt Nam phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD, hiện phổ biến ở mức 2,8 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 5,0%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,0 - 6,0%/năm.

 

Đáng chú ý, từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động, lãi suất cho vay có xu hướng giảm khoảng 0,5 - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng. Thị trường vàng diễn biến ổn định.

 

Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

 

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời kiểm soát và cảnh báo tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng lớn đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.