Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

15:43, 26/10/2016

Thời gian qua, tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng không chỉ trong chăn nuôi mà còn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, phát triển nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh là một trong những định hướng đang được ngành Nông nghiệp - PTNT quan tâm triển khai thực hiện.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với các loại cá như: Ttrôi, mè, trắm, chép, diêu hồng, rô phi, lăng chấm... Những năm qua, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh ta liên tục tăng, đã và đang góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, các bệnh ký sinh trùng phát sinh, ô nhiễm nguồn nước... thì việc phòng, chống dịch bệnh đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nghề nuôi thủy sản. Để hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã và đang phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, giám sát dịch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo các hộ dân các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng, chống dịch.

 

Ông Trần Văn Nguyên, ở xóm Bãi Bằng, xã Tân Thái (Đại Từ) cho biết: Nhà tôi cùng 12 hộ dân trong xã thuê lại hồ Thổ Hồng, xã Tân Thái để nuôi cá các loại. Để hạn chế rủi ro về dịch bệnh và nâng cao chất lượng cá, cùng với việc sử dụng thức ăn là cá vược được đánh bắt ở Hồ Núi Cốc đảm bảo sạch thì vấn đề xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học luôn được bà con chúng tôi đặc biệt quan tâm áp dụng. Ngoài ra, chúng tôi cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương thức chăn nuôi tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm hướng tới mục tiêu nuôi an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc và hoá chất nhằm bảo vệ môi trường.

 

Cùng với việc chú trọng an toàn dịch bệnh thủy sản ở các ao, hồ, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa cũng được các đơn vị quan tâm. Anh Vũ Xuân Thanh, công nhân phụ trách nuôi cá lồng trên hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần chế biến nông sản Thái Nguyên cho biết: Hiện, chúng tôi đang nuôi 20 lồng tròn và 10 lồng vuông gồm các loại các chủ yếu như: trắm, trôi, chép, rô phi, diêu hồng, lăng... với tổng thể tích gần 9.000m3. Mỗi loại cá đều có thể mắc nhiều loại bệnh khác nhau, nếu không được phòng và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá. Để phòng tránh, chúng tôi đã sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh trước, trong và sau mỗi vụ nuôi. Đồng thời, cho cá ăn bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng.

 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, môi trường nước mặt ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến sự phát triển của thủy sản. Ngoài ra, nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn và thay đổi đột ngột sẽ khiến thủy sản bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các loại khí độc như H2S, NH3… làm cho sức đề kháng của thủy sản giảm, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tăng cường công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các lớp tập huấn để người dân nhận thức được tác hại của dịch bệnh thủy sản và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Khuyến cáo người dân thực hiện công tác cải tạo, quản lý ao nuôi, sát trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ nuôi thủy sản, đặc biệt là những nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Nguyên, nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản bao gồm chủ động giám sát mầm bệnh, quan trắc môi trường kết hợp thu thập thông tin bệnh, vệ sinh, khử trùng, khoanh vùng và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi là chỉ được sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong lĩnh vực thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, sử dụng đúng liều lượng của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn dich bệnh, các hộ chăn nuôi cũng cần chú ý thả cá giống khỏe với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống cá hợp lý. Quản lý tốt nguồn thức ăn, không dùng phân tươi cho cá nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và hạn chế mầm bệnh phát triển. Đặc biệt, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và chủ động khai báo khi có thủy sản bị chết nhiều, không vứt xác thủy sản chết và xả nước từ ao nuôi bị bệnh chưa xử lý ra môi trường.