Ghi ở làng nghề chè xóm Cây Xanh

11:26, 27/10/2016

Thời điểm này, trong khi một số vùng chè nổi tiếng trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu... giá chè vẫn giữ ổn định thì tại xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, giá chè búp tươi được người buôn chè mua tại vườn với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg (cao hơn khoảng từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước). Điều này đã tạo động lực để người dân nơi đây tích cực chăm sóc những nương chè tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Đến xóm Cây Xanh vào một ngày giữa tháng 10, đi trên con đường bê tông uốn lượn, chúng tôi được chứng kiến không khí hái chè nhộn nhịp hòa cùng tiếng nói cười vui vẻ của bà con. Qua tìm hiểu, người dân ở đây cho biết, giá chè của xóm ở thời điểm hiện tại cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Bà Lý Thị Hương, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè xóm Cây Xanh cho biết: Xóm có 80/240 hộ trồng chè với khoảng 10ha chè (toàn bộ là chè giống mới). Năm nay, chè của xóm bán được giá hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước bởi vì bà con trồng chè trong xóm đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm trồng chè của nhau và ở những địa phương khác, từ đó áp dụng vào chăm sóc cho vườn chè của gia đình nên vườn chè của gia đình nào cũng xanh non (mặc dù đã vào mùa khô).

 

Chị Hà Thị Hường vui vẻ nói: Gia đình tôi có 5 sào chè giống LDP1. Thời điểm này, chè đang bán được giá cao nên gia đình tôi tranh thủ ban ngày đi hái chè đổi công, chiều đến đi thu mua rơm rạ về dấp vào gốc chè, sáng tưới nước giếng khoan (tưới vừa đủ) để giữ độ ẩm cho cây chè vì đang vào mùa khô nên cây chè cần được giữ ẩm. Chị Vũ Thị Hương, người buôn chè ở xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân cho hay: Tôi buôn chè đã nhiều năm nay. Năm trước, tôi mua chè của xóm Cây Xanh chỉ với giá 50.000-60.000 đồng/kg chè búp tươi, nhưng tại thời điểm này tôi đang mua chè của bà con trong xóm với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg (chè búp tươi). Vì người dân ở đây đã chú ý chăm sóc chè hơn trước nên búp chè non bóng, có độ dẻo, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Nếu người trồng chè ở xóm vẫn chăm sóc chè tốt như hiện nay thì từ nay đến Tết, chúng tôi có thể sẽ phải mua với giá cao hơn.

 

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số vùng chè và Hợp tác xã chè tiêu biểu: Tân Hương (Phúc Xuân), Gia Bảo, Thiên Phú An (Phúc Trìu), Hảo Đạt (Tân Cương)... thì giá chè không có biến động tăng, thậm chí còn giảm. Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương cho biết: Giá sản phẩm chè của Hợp tác xã ở thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên (đối với những loại chè cao cấp, hàng quà biếu), còn những loại chè bình dân, giá thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi, số ngày nắng kéo dài dẫn đến năng suất cũng như chất lượng giảm.

 

Được biết, trên địa bàn thành phố có nhiều làng nghề chè truyền thống có “thâm niên” hàng trăm năm, trong khi xóm Cây Xanh trồng chè được khoảng 20 năm nay. Nhiều năm trước, xóm trồng chủ yếu là chè trung du cho năng suất, chất lượng thấp. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, người dân trong xóm đã chuyển đổi từ chè trung du sang trồng các loại chè cành giống mới: LDP1, TRI 777..., đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn do Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức; tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những vùng làm chè nổi tiếng trong tỉnh để về áp dụng tại địa phương. Từ trồng chè, nhiều hộ gia đình trong xóm có kinh tế khá, cây chè dần trở thành hướng phát triển kinh tế chính của xóm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ 11 hộ (năm 2012) xuống còn 5 hộ (năm 2016); thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu so với năm 2012). Riêng các hộ trồng chè có thu nhập từ 30-35 triệu đồng/người/năm.

 

Bà Lý Thị Hương cho chúng tôi biết thêm, tháng 10-2015, xóm đã thành lập Tổ hợp tác chè Cây Xanh với 50 thành viên. Mặc dù chưa được công nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, thời gian qua, những người làm chè trong xóm luôn chú trọng sản xuất chè đảm bảo theo quy trình VietGAP để giữ uy tín với khách hàng và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân. Vừa qua, nhân dân xóm vui mừng được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè. Hiện nay, xóm đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cổng Làng nghề để tháng 11 tới tổ chức đón Bằng Công nhận Làng nghề chè.