Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đã có nhiều đổi thay tích cực. Từ đó, đời sống bà con trong xã được nâng lên, mức thu nhập bình quân đã đạt 28 triệu đồng/người/năm, tăng 18 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 2,9%…
Chúng tôi về xã Hóa Trung để tìm hiểu việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM vào thời điểm đang vào cuối vụ thu hoạch lúa. Trên những cánh đồng, bên cạnh hình ảnh những người nông dân gặt lúa quen thuộc, còn có chiếc máy gặt đập liên hợp ì ầm tiến lui trên đồng ruộng. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn của xã đang từng bước thay đổi. Trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia. Các tuyến đường được mở rộng và đổ bê tông trải dài đến từng ngõ, xóm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Xã Hóa Trung có 6 dân tộc anh em cùng chung sống tại 13 xóm với trên 1,2 nghìn hộ, 4,2 nghìn nhân khẩu. 80% kinh tế của các hộ dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Vào thời điểm năm 2010, khi bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm. Qua rà soát ban đầu, xã còn 13/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chưa đạt, cần phải hoàn thành trước năm 2018. Xác định thu nhập là yếu tố quan trọng cần phải hoàn thành trước để tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí khác, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để đưa ra giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; vật nuôi; khuyến khích người dân tham gia học nghề nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động; hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng đất.
Ông Phạm Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã cũng là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho biết: Hóa Trung có đất đai rộng, phù hợp với trồng cây ăn quả; chăn nuôi. Từ đặc điểm đó, chúng tôi đã vận động người dân thay thế những diện tích trồng rừng kinh tế thấp chuyển sang trồng chè cành và cây ăn quả. UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các tổ chức, các hội mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, chăn nuôi, nuôi ong, trồng chè cho trên 2 nghìn lượt nông dân. Từ những lớp dạy nghề, tập huấn này, nông dân của xã đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Về cây ăn quả, tại Hóa Trung, nhãn được bà con trồng nhiều do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp. Tuy nhiên, giống nhãn này chỉ cho quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng, chất lượng chưa được ngon nên giá bán thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước tình hình đó, cùng với sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông huyện, xã đã vận động người dân cải tạo loại nhãn này bằng phương pháp ghép với giống nhãn chín muộn của huyện Hưng Yên để trở thành cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao hơn và trở thành mô hình kinh tế bền vững. Cụ thể, sau 2 năm, những cây nhãn ghép đã cho thu hoạch với ưu điểm nổi bật là quả to, ngọt, cùi dày; quả chín rải vụ dài hơn; tỷ lệ đậu quả cao. Theo thống kê của xã, hiện nay, người dân thu nhập từ cây nhãn ghép này được khoảng 10 tỷ đồng/năm, hiệu quả kinh tế tăng 35% so với trước. Gia đình bà Nông Thị Nguyệt, xóm Na Long một trong những hộ tham gia mô hình nhãn ghép đầu tiên trong xã cho biết: Vườn nhãn 200 gốc của gia đình tôi được ghép trên 1 nghìn mắt từ năm 2011. Hiện tại, những cây nhãn này phát triển tốt, không bị sâu bệnh và từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được trên 1 tấn quả. Với giá bán trung bình 25 nghìn đồng /kg tại vườn, gia đình tôi thu về trên 25 triệu đồng, mức lợi nhuận này cao hơn nhiều so với trước.
Bên cạnh mô hình cây nhãn ghép, nghề nuôi ong mật cũng đã được nông dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiệu quả của nghề nuôi ong thể hiện rõ rệt nhất ở xóm Phúc Thành. Đây là xóm có nghề nuôi ong mật phát triển mạnh nhất xã. Được biết, năm 2010, cả xóm chỉ có 10 đàn ong, đến nay, 45 hộ dân trong xóm đã tham gia nghề nuôi ong với trên 2 nghìn đàn. Từ đó, mỗi năm, người dân khai thác được trên 20 tấn mật, tương đương doanh thu trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã Hóa Trung cũng khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô vừa và nhỏ. Qua đó, người dân trong xã đã xây dựng được 5 trang trại và 10 gia trại chăn nuôi gà, lợn cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, chính quyền xã đang tích cực vận động bà con trồng thêm chuối tiêu hồng, khoai tây để thực hiện tốt hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Từ những nỗ lực như trên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã, tính đến hết năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,9% theo chuẩn mới. Xã đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí là: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi; điện; trường học; bưu điện; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục; y tế; văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị xã hội; an ninh trật tự xã hội. 4 tiêu chí chưa thực hiện được là: Giao thông; Cơ sở vật chất văn hóa; Chợ nông thôn và Môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng đạt NTM, xã Hóa Trung đã xây dựng lộ trình hoàn thành 4 tiêu chí còn lại cụ thể theo từng năm. Trong đó, hoàn thành tiêu chí Giao thông trong năm 2016; tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, Môi trường, Chợ nông thôn hoàn thành vào năm 2017. Như vậy, dự kiến Hóa Trung sẽ đạt NTM chậm nhất vào đầu năm 2018. Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Cùng với đó, xã cũng tiếp tục huy động các nguồn vốn, xây dựng và nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu trên địa bàn.