Là người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm vùng sâu Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ), ông Lã Viết Thụ luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, nhân dân trong xóm từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Chúng tôi gặp ông Lã Viết Thụ khi ông đang cùng một số người dân trong xóm bốc xếp xi măng để chuẩn bị làm đường bê tông vào xóm. Đối với một xóm nghèo như Đầu Cầu ở xã 135 Đức Lương thì để làm một con đường bê tông không hề đơn giản. Nhánh đường này dài khoảng 500m, đi qua 10 hộ dân. Theo tính toán, để hoàn thành con đường, mỗi nhân khẩu phải đóng góp khoảng 2,5 triệu đồng, tính ra trung bình mỗi hộ đóng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ dân ở đây còn hiến trên 500m2 đất để mở rộng đường theo tiêu chí đường giao thông nông thôn mới. Khó là thế, nhưng với sự vận động khéo léo của Ban mặt trận xóm, đặc biệt là ông Lã Viết Thụ - người có uy tín trong cộng đồng, bà con trong xóm đã hạ quyết tâm khó mấy cũng làm bằng được. Đến nay, bà con đã hiến vườn, ruộng, san gạt mặt bằng, hiện đang tập kết vật liệu để đổ bê tông trong tháng 10-2016.
Ông Thụ năm nay 65 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Đức Lương. Với vẻ ngoài điềm đạm, cách nói chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc và am hiểu, ông Thụ tạo được niềm tin với mọi người ngay từ lần đầu tiếp xúc, có lẽ cũng vì thế mà ông luôn được bà con trong xóm tin, nghe, quý trọng. Xóm Đầu Cầu hiện có 43 hộ đều là dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày. Nhiều hộ dân trong xóm là người từ xuôi di cư lên đây từ nhiều năm trước, thời gian đầu, do tập quán, thói quen sinh hoạt, nét văn hóa khác với người dân vùng núi, nên giữa các hộ dân ở đây cũng nảy sinh một số mâu thuẫn trong cuộc sống. Ông Thụ đã đến từng hộ, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của người dân, từ đó hòa giải các khúc mắc, kéo người dân lại gần nhau hơn, xây dựng mối đoàn kết trong nhân dân. Ngoài ra, ông còn tuyên truyền cho bà con tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Ông Thụ tâm sự: Để lời nói của mình được người dân nghe thì mình phải nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng. Muốn nghĩ đúng, nói đúng thì phải học tập, tìm hiểu. Bản thân tôi luôn nghiên cứu các thông tin trên báo, đài về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó để trang bị cho bản thân và tuyên truyền cho nhân dân. Còn để làm đúng thì tôi luôn tích cực lao động, sản xuất, tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để đưa vào áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Nếu mình làm chưa tốt thì có nói gì cũng chẳng thuyết phục được mọi người nghe theo.
Nghĩ thế nên, ông Thụ luôn tiên phong trong việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Gia đình ông có hơn 6 sào chè trung du từ đời ông cha để lại. Năm 2010, ông mạnh dạn phá bỏ hết cả mấy đồi chè để đưa giống chè cành vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng và giá bán chè của gia đình ông đã cao hơn hẳn trước đây và luôn cao nhất trong xóm. Ngoài ra, với diện tích vườn bãi rộng ông còn đầu tư chăn gà thả vườn với quy mô trên 100 con và chăn thêm 2 đầu lợn nái. Trên diện tích đồi rừng rộng hơn 2ha, ông lại trồng toàn bộ keo. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng. Dự kiến khoảng 2 năm nữa số keo của gia đình sẽ được thu hoạch, lúc này thu nhập của gia đình ông chắc chắn còn cao hơn nữa.
Từ thành công mô hình kinh tế của gia đình, ông đã tuyên truyền cho nhân dân trong xóm tích cực chuyển đổi cây trồng, xóa đói, giảm nghèo. Đất đai ở đây chủ yếu là đồi núi, diện tích ruộng ít, chỉ có dải ruộng nằm men dưới các chân núi. Thêm vào đó, là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nên không phải người dân nào cũng có điều kiện để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hiệu quả, ông Thụ chính là người nói cho dân làm, làm cho dân thấy việc đưa giống lúa lai, chè lai vào thay thế các giống cây cũ đã mang lại hiệu quả cao hơn, chăn nuôi cần phải mạnh dạn đầu tư, qua đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, từ chỗ xóm có đến 80% là hộ nghèo thì nay xóm chỉ còn 10 hộ.
Ngoài việc giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, ông Thụ còn tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan. Ông luôn chủ động tham gia đóng góp ý kiến với chi bộ và các đoàn thể, góp phần xây dựng Chi bộ, Ban Mặt trận, các đoàn thể trong thôn đạt trong sạch, vững mạnh. Từ một xóm yếu về mọi mặt, những năm gần đây, xóm có đến 98% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, nhân dân luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trật tự an ninh trong xóm ổn định không có tệ nạn xã hội, đơn thư khiếu nại, nhiều năm liền được công nhận khu dân cư tiên tiến và được công nhận làng văn hóa. Người dân tích cực tham gia góp công, góp sức, góp tiền, hiến đất để xây dựng kênh mương, đường giao thông.
Cuộc sống của người dân đã được cải thiện, tình hình an ninh trật tự được giữ vững ổn định, người dân trong thôn chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, cơ sở vật chất từng bước được xây dựng khang trang, xóm Đầu Cầu có được ngày hôm nay không thể không kể đến những đóng góp to lớn của ông Thụ.