Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đó là những điều chúng tôi cảm nhận được về chị Đặng Thị Lan, ở xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình). Chị là một trong nhiều tấm gương phụ nữ có nghị lực, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Về xóm Đá Bạc, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm được nhà chị Lan nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân trong xóm. Tiếp khách trong căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, chị bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng vất vả mà hai vợ chồng đã trải qua. Sinh năm 1971, trong một gia đình nghèo lại đông con nên tuổi thơ chị rất vất vả. Năm 1988, chị đi lấy chồng với hai bàn tay trắng. Sau khi cưới, hai vợ chồng ra ở riêng với tài sản là túp lều tranh vách đất mà ông bà cho. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm đi làm thuê, làm mướn chẳng đủ ăn, cái đói, cái nghèo cứ bám riết.
Cũng đã có giai đoạn chồng chị nuôi hy vọng đổi đời đã đi làm việc tại các bãi vàng trong và ngoài tỉnh nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi nghèo đói. Chị động viên chồng quay trở về, cùng nhau phát triển kinh tế tại địa phương. Lúc này, chị đang là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Đạt. Được tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức, chị quyết định chọn nghề mộc làm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2001, chị vay 3 triệu đồng để mua 1 máy xẻ gỗ mini và ít gỗ tạp về làm vài vật dụng đơn giản. Thời gian lần đầu nghề mộc, hai vợ chồng chị gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm sản xuất, cung cấp các sản phẩm làm ra chưa đẹp và thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Dù vậy vợ chồng chị vẫn không nản lòng. Hai vợ chồng tự nghiên cứu thêm tài liệu, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mẫu mã ở nhiều nơi. Dần dần, sản phẩm của gia đình được người dân trong vùng chấp nhận và đặt mua. Lấy ngắn nuôi dài, lãi thu về đến đâu anh chị đầu tư mở rộng sản xuất đến đó. Đến nay, gia đình chị đã gây dựng được một xưởng mộc, sản xuất, cung cấp đồ gỗ gia dụng, như: bàn, ghế, giường, kệ, tủ, cánh cửa. Hiện, cơ sở sản xuất mộc của gia đình anh chị cho thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Quan sát chị Lan làm việc, chúng tôi rất nể phục. Những tưởng công việc nặng nhọc này chỉ dành cho đàn ông, nhưng hầu như các công đoạn chị đều xắn tay vào làm, mọi thao tác đều thuần thục. Đưa bàn tay thô ráp lau vội những giọt mồ hôi, chị cười bảo: “Chịu khó tìm hiểu, học hỏi, không ngại khó, ngại khổ rồi cũng sẽ thành nghề. Theo tôi làm nghề này không nhất thiết phải là đàn ông hay phụ nữ, quan trọng là chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Tôi nghĩ người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay cần làm chủ được khoa học kỹ thuật và tư duy năng động trong sản xuất, kinh doanh”.
Theo chị, để có được thành công, người làm mộc phải, đề cao chữ tín. Mẫu mã, sản phẩm phải có sửa đổi mới, thông qua chất lượng sản phẩm mẫu sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thì sản phẩm mới có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng chị còn nhiệt tình hướng dẫn, đào tạo nghề cho nhiều lao động địa phương. Trên địa bàn xã đã có 2 gia đình mở cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ sau khi theo học nghề từ gia đình chị. Nhận xét về hội viên của mình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Đạt Lê Thị Giảng nói: “Chị Lan là một phụ nữ tiêu biểu dám nghĩ, dám làm trong việc vươn lên phát triển kinh tế. Chị là người cần cù, chịu khó, tích cực tham gia các hoạt động của Hội và nhiệt tình giúp đỡ hội viên khác. Những thành quả đạt được trong lao động, sản xuất của chị xứng đáng là tấm gương sáng để các chị em phụ nữ trong xã noi theo”.