Mặc dù chưa có thương hiệu mạnh, nhưng với quy trình sản xuất và sản phẩm qua kiểm định đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), rau xanh Bình Thuận (Đại Từ) đã và đang tạo được uy tín trên thị trường. Với quan niệm làm rau phục vụ chính gia đình rồi mới phục vụ thị trường đã thu hút sự quan tâm hợp tác của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm rau an toàn (rau sạch).
Ngay sau dịp khai trương chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Thái Cương tại trung tâm T.P Thái Nguyên, chúng tôi đã tìm về xóm Trại 4 và xóm Trại 5 xã Bình Thuận (Đại Từ) - vùng nguyên liệu rau sạch được danh nghiệp ký kết đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Đây là một vùng đất trù phú, nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo và tiếp giáp hồ Núi Cốc, quanh năm khí hậu ôn hòa nên cây cối quanh năm tươi tốt. Ông Trần Văn Hùng, là một trong những người dân có thâm niên trong nghề trồng ra cho biết: “Vùng đất này có truyền thống làm rau xanh từ những năm 1950 về trước, chúng tôi sinh ra đã được thừa hưởng kinh nghiệm từ ông cha để lại. Nên chúng tôi hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loại rau và cũng không khó tiếp cận các quy trình kỹ thuật về làm rau sạch. Chính vì vậy, rau Bình Thuận luôn có thị trường ổn định, thu nhập đạt 60-70 triệu đồng/ha. Từ năm 2012 trở lại đây, bà con nông dân được tập huấn, cấp chứng chỉ về quy trình sản xuất rau sạch, nên sản lượng, diện tích rau an toàn được nhân rộng”.
Tiếng lành đồn xa, các nhà hàng, doanh nghiệp, nhà phân phối từ khắp nơi đổ về xóm Trại 4 và Trại 5 tìm cơ hội đầu tư, liên kết kinh doanh, đặt hàng… Ông Hoàng Văn Hòa, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng rau sạch Bình Thuận cho biết: “Trước năm 2010, xóm Trại 4, xóm Trại 5 chỉ có vài sào rau sạch, nhưng sau khi gần 30 hộ dân được tập huấn về quy trình, kỹ thuật sản xuất rau an toàn, bà con đã chủ động đề xuất ý tưởng hợp tác lại với nhau để xây dựng vùng rau sạch theo đúng kỹ thuật. Bởi lẽ đài, báo địa phương lúc nào cũng nói đến ATVSTP mà nguy cơ lại ngay từ chính vườn rau nhà mình… nên mình phải sản xuất cho chính mình trước, rồi mới đến thị trường và muốn bán được hàng thì phải mua lấy khách hàng bằng chính uy tín, thương hiệu. Có như vậy, rau xóm Trại ở vùng núi Bình Thuận này mới vươn ra được các thị trường xa hơn và có cơ hội mở rộng diện tích, cũng như phát triển bền vững. Hiện, diện tích rau sạch của xóm đã tăng lên gần 3ha, bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 2-3 tấn qua các hợp đồng với nhà phân phối đến từ Bắc Ninh, Hà Nội, các siêu thị và một số doanh nghiệp”.
Tổ hợp tác sản xuất rau sạch của xã Bình Thuận mới hình thành tháng 7-2016, sau khi doanh nghiệp Thái Cương (T.P Thái Nguyên) ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm, đồng thời cử ông Hòa, ông Khải làm Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm trực tiếp điều hành sản xuất, cung ứng. Theo quy trình, đơn vị bao tiêu cần cung ứng bao nhiêu rau thì Ban chủ nhiệm hợp tác có trách nhiệm tra nhật ký quy trình chăm sóc của các hộ thành viên tham gia hợp tác xem điều kiện cần và đủ xuất vườn để thông báo thu hoạch. Ông Khoa cho biết: Tổ hợp tác hiện có 22 hộ dân tham gia. Trách nhiệm, nghĩa vụ được các hộ thành viên thỏa thuận và cam kết báo cáo rõ thời gian, quy trình chăm sóc từng loại rau với Ban Chủ nhiệm để điều tiết theo đơn đặt hàng. Điều tuyệt đối cấm kỵ là trước thời kỳ thu hoạch tối thiểu 10 ngày, toàn bộ các hộ thành viên không sử dụng phương pháp chăm sóc bằng các loại phân bón hữu cơ, chất kích thích. Tất cả rau thu hoạch tại các vườn của hộ gia đình đều để lại mẫu đối chứng và để nhà thầu thu mua kiểm nghiệm. Bất kể mẫu phẩm nào xuất ra từ vùng nguyên liệu rau sạch xóm Trại mà vi phạm các tiêu chuẩn về ATVSTP thì sẽ chịu trách nhiệm bồi thường về kinh tế cho doanh nghiệp và “đền làng” cả vụ rau cho toàn bộ thành viên tổ hợp tác. Chính những cam kết vừa có tính pháp lý, vừa có tính quy ước do nhân dân thỏa thuận đặt ra đã tác động tốt đến việc nâng cao trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất và bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù vùng rau xã Bình Thuận mới hình thành tổ hợp tác và xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà phân phối, bước đầu đã tạo được niềm tin từ khách hàng. Tuy nhiên, để vùng rau thật sự đạt hiệu quả kinh tế cao và có thương hiệu tốt trên thị trường, cần có sự đầu tư hơn nữa về kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và phân vùng chuyên canh nhằm đa dạng sản phẩm cũng như mở rộng quy mô sản xuất bảo đảm tính bền vững cao.