Một thời gian dài, người dân ở Bình Long (Võ Nhai) chỉ biết vào rừng để khai thác mà chưa nghĩ đến việc bảo vệ. Điều này khiến rừng bị tàn phá kiệt quệ. Nhưng vài năm trở lại đây, nhận thức và thói quen ấy của người dân đã có sự thay đổi…
Bình Long là một trong những địa phương có diện tích rừng núi đá lớn của huyện Võ Nhai với khoảng 1.170ha. Người dân coi đây là nguồn tài nguyên vô tận để khai thác phục vụ nhu cầu đời sống như lấy củi, gỗ để làm nhà hoặc bán, săn bắt thú rừng… mà không ai tính đến chuyện gìn giữ. Năm 2012, Bình Long được lựa chọn để triển khai thực hiện thí điểm Dự án REDD+ (lsáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất thông qua các nỗ lực bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng tại các nước đang phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế do Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, những ngọn núi xơ xác ngày nào đã được thay thế bằng màu xanh của cây cối đang đà phát triển. Nhiều loài động vật quý hiếm mất tích bấy lâu, nay đã xuất hiện trở lại. Tình trạng người dân tự ý vào rừng khai thác đã không còn diễn ra mọi người đều nêu cao ý thức cùng nhau giữ lấy rừng.
Ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch UBND xã Bình Long nói: Nhận thấy đây là chương trình đem lại lợi ích thiết thực lâu dài cho người dân, nên chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Dự án được giao cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và nuôi trồng Hòa Bình đảm nhiệm và triển khai tại cộng đồng. Xã đã thành lập 60 tổ tự quản, thành viên là các hộ dân tại các xóm để quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Theo ông Hà Trung Thông, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và nuôi trồng Hòa Bình, nếu thực hiện theo đúng, đạt yêu cầu, dự án sẽ hỗ trợ ban đầu cho mỗi ha rừng khoảng 500 nghìn đồng. Trừ các chi phí cho các hoạt động quản lý gián tiếp, công đo đếm, phần còn lại sẽ được chia đều cho các thành viên trong tổ tự quản.
Được biết, để thực hiện có hiệu quả dự án, Hợp tác xã đã họp với các tổ tự quản, người dân trong xã cùng thống nhất ban hành Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Bản quy ước quy định rất cụ thể, chi tiết với 3 chương, 22 điều về tất cả các lĩnh vực liên quan như: các hành vi bị nghiêm cấm; quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên tổ tự quản; việc quản lý thẻ vào rừng; thẩm quyền xử lý vi phạm. Đặc biệt, bản quy ước nêu rất rõ các hành vi vi phạm và mức phạt bồi thường, áp dụng cho từng đối tượng vi phạt.
Anh Nguyễn Văn Trọng, Trưởng xóm Bậu cho biết: Xóm Bậu có khoảng 50ha núi đá. Trước những năm 2012, người dân chặt phá hầu hết những cây có giá trị, lớn thì xẻ gỗ, nhỏ đem làm củi đun khiến hàng chục ngọn núi chỉ còn trơ lại đá với cây bụi, dây leo. Các loài động vật vì thế mà không có nơi trú ẩn, sinh sống. Sau 3 năm rừng được giao về cho người dân quản lý với 2 tổ tự quản, rừng đã từng bước được hồi sinh.
Còn bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng tổ tự quản số 3, xóm Đại Long thông tin: Tổ tự quản có 27 thành viên (cả xóm thành lập 3 tổ tự quản), ngoài việc thực hiện việc quản lý chung, tuần tra kiểm soát còn tổ chức họp hằng tháng, quý để thông tin, tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia thực hiện công tác bảo vệ rừng. Nhiều năm nay, ai muốn vào rừng phải được sự cho phép của tổ tự quản và sử dụng thẻ ra vào theo quy ước. Nếu ai tự ý vào và khai thác bị phát hiện sẽ chịu hình thức xử lý tùy theo mức độ vi phạm nên mọi người đều chấp hành tốt.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Khi tiếp nhận dự án, toàn xã chỉ có 500ha rừng được đánh giá có trữ lượng còn lại là rừng nghèo kiệt. Kết quả khảo sát, đo lường sau hơn 3 năm thực hiện dự án, đã có thêm 450ha rừng có trữ lượng (ít nhất là 10m3/ha). Nhiều loại sinh vật, động vật có môi trường sống đã xuất hiện trở lại và phát triển như chim, khỉ, trăn, rắn, tắc kè… Dự báo đến năm 2020, cơ bản rừng núi đá ở Bình Long sẽ được hồi sinh. Mặc dù đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nhưng điều quan trọng nhất là mọi người đều ý thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ tài sản chung, vì chính lợi ích của mình và thế hệ sau này.