Dấu ấn trong phát triển thương mại điện tử

17:10, 15/11/2016

Sau hơn 5 năm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh, những kết quả đạt được bước đầu rất khả quan. Đây được xem là dấu ấn quan trọng, đưa TMĐT từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. TMĐT đã đem đến cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh,  quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) được UBND tỉnh, Sở Công Thương giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối về phát triển TMĐT của tỉnh. Trong hơn 5 năm qua, Trung tâm và các cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đề ra và bước đầu đạt kết quả khả quan.

 

Kết quả đầu tiên phải kể đến chính là việc duy trì, quản trị và vận hành, nâng cấp thành công trang web của Sở Công Thương tại địa chỉ: congthuongthainguyen.gov.vn. Với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin thuộc Trung tâm XTTM và Ban Biên tập Sở Công Thương, đến nay trang web đã kịp thời đăng tải, cung cấp những nội dung hoạt động của ngành Công Thương và thông tin của các DN trên địa bàn tỉnh. Với giao diện bắt mắt, nội dung phong phú, đường truyền nhanh, trang web của Sở hiện có hơn 6 triệu lượt truy cập, góp phần tiết kiệm chi phí, cung cấp lượng thông tin đa dạng, kịp thời, đầy đủ, chính xác cho DN. Đây thực sự là phương tiện hữu ích cho các tổ chức kinh tế, đơn vị, DN trên địa bàn.

 

Cùng với trang web, Trung tâm XTTM cũng đã phối hợp thực hiện duy trì, vận hành, nâng cấp và phát triển Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ: thainguyentrade.gov.vn. Hiện nay, Sàn đã có trên 600 đơn vị tham gia với gần 1,5 triệu lượt người truy cập. Thông qua Sàn giao dịch TMĐT, các DN trên địa bàn tỉnh có điều kiện quảng bá thông tin, hình ảnh của đơn vị mình với nhiều đối tượng, khách hàng gần xa. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh hoạt động mua sắm của người dân thông qua mạng Internet, từ đó kết nối thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, để các đơn vị, DN tiếp cận tốt hơn với TMĐT, từ năm 2011 đến nay, ngành Công Thương đã hỗ trợ xây dựng website riêng cho gần 70 đơn vị, DN. Thông qua đó tạo cơ hội đưa hàng trăm sản phẩm công, nông nghiệp của tỉnh lên sàn giao dịch TMĐT. Mặt khác, Trung tâm XTTM được giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức xây dựng các chương trình tập huấn về TMĐT. Kết quả, đã mở được 25 lớp tập huấn, trong đó có 10 lớp dành cho cán bộ quản lý (80 học viên/lớp); mở 14 lớp đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT cho cộng đồng DN.

 

Một nội dung quan trọng nữa được Trung tâm XTTM triển khai là duy trì Bản tin “Kinh tế Công Thương” hàng tháng. Bản tin được biên tập, xuất bản với 20 trang nội dung tập trung vào thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành Công Thương như: Thông tin pháp luật, kinh tế công thương, kinh tế quốc tế, thông tin thị trường, DN, vấn đề DN cần biết, cơ hội giao thương, giá cả thị trường… Hơn 5 năm qua, bản tin đã phát hành được 69 số phục vụ hơn 200 tổ chức, cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh và trao đổi bản tin với 20 Trung tâm XTTM các tỉnh, thành phố có liên kết. Với cách trình bày chuyên nghiệp, thông tin sát thực, kịp thời gắn với hoạt động của ngành, địa phương, đơn vị nên từ khi ra đời đến nay, Bản tin “Kinh tế Công Thương” được độc giả quan tâm và đánh giá cao.

 

Ngoài những kết quả trên, Trung tâm XTTM cũng tổ chức cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; cung cấp danh sách các đơn vị xuất, nhập khẩu lớn cũng như thị trường tiềm năng xuất khẩu lên cổng thông tin xuất, nhập khẩu của Bộ Công Thương; cung cấp thông tin về dự án sử dụng vốn nhà nước, dự án khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm trong tỉnh, thông tin về đấu thầu mua sắm công, quản lý trực tuyến thông tin của các DN…

 

Có thể thấy, TMĐT đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp. Trong thời gian tới, để TMĐT ngày càng phát huy được hiệu quả, giữ vai trò “đòn bẩy” giúp các DN mở rộng, phát triển thị trường thì cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động cũng như về nguồn nhân lực làm công tác TMĐT tại các cơ quan quản lý và các DN.