Để duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

17:22, 22/11/2016

Với mục tiêu cung ứng ra thị trường sản phẩm chè an toàn, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP được hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, việc duy trì các tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn này hiện gặp nhiều khó khăn khi nhiều người dân không đồng thuận nộp phí để gia hạn.

Để tìm hiểu về tâm tư của người dân làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đã tìm về xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương). Từ ngày 5-10-2014, 45 hộ dân ở xóm Quyết Thắng đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thành công chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 34ha (chiếm gần 50% tổng diện tích chè của xóm). Đây là tổ sản xuất chè an toàn có diện tích lớn nhất so với các tổ khác trên địa bàn huyện. Giấy chứng nhận chè an toàn có hiệu lực trong thời gian 2 năm. Như vậy là đến ngày 5-10 vừa qua, Giấy chứng nhận đã hết thời hạn và người dân ở đây phải nộp phí để gia hạn. Thế nhưng, đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã xin rút khỏi Tổ sản xuất, không nộp tiền phí gia hạn và không áp dụng quy trình VietGAP.

 

Ông Đỗ Cao Quý, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm Quyết Thắng cho biết: Trong lần đầu, các hộ dân được hỗ trợ 100% phí chứng nhận. Còn ở lần 2, phí gia hạn giấy chứng nhận được tính theo diện tích chè, mỗi héc ta là 6 triệu đồng. Xóm có 34ha thì phải nộp hơn 200 triệu đồng, theo đó, mỗi hộ sẽ phải đóng từ 3-6 triệu đồng. Vì thời gian qua, người dân chưa nhận thấy lợi ích rõ rệt của việc làm chè an toàn, đang loay hoay tìm thị trường thì lại phải tính đến việc nộp phí gia hạn nên không mặn mà nữa. Những hộ muốn tiếp tục thực hiện thì lại không đủ sức vì kinh phí lớn.

 

Còn bà Tạ Thị Hòa, một thành viên của Tổ sản xuất chè an toàn xóm Quyết Thắng thông tin thêm: Gia đình tôi có 6.000m2 chè được công nhận áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm làm ra cơ bản gia đình vẫn phải bán ngoài chợ, một số ít bán cho khách hàng ở một số tỉnh lân cận, tuy nhiên, giá bán vẫn không thay đổi nên khi phải nộp phí gia hạn chúng tôi không tham gia nữa.

 

Toàn huyện Phú Lương hiện có 7 tổ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 100ha. Tuy nhiên đến nay, ở Tổ sản xuất xóm Thác Dài (xã Tức Tranh) chỉ còn 2 thành viên kiên trì “bám trụ”, tự bỏ tiền để gia hạn giấy chứng nhận lần 3. Còn trong năm 2016, có 2 tổ sản xuất là Quyết Thắng và Tân Thái (cũng ở xã Tức Tranh) phải nộp phí gia hạn thì chỉ còn xóm Tân Thái tham gia vì được huyện hỗ trợ 100% kinh phí; 4 tổ còn lại đến năm 2017 mới phải thực hiện việc gia hạn. Ông Trần Như Sơn, cán bộ Ban Quản lý Dự án chè (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Hiệu lực của giấy chứng nhận trong 2 năm, sau đó bà con sẽ phải nộp phí gia hạn. Tuy nhiên, do mức phí cao (quy định 6 triệu đồng/ha), hiệu lực giấy chứng nhận ngắn nên việc vận động người dân tiếp tục tham gia quy trình là không dễ. Nếu không có giải pháp cụ thể thì 4 tổ sản xuất còn lại phải gia hạn lần 2 trong năm sau sẽ không thực hiện được.

 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Thực tế, phí gia hạn giấy chứng nhận không cao. Theo quy định, với diện tích dưới 5ha sẽ phải lấy mẫu đất, nước, sản phẩm một lần (vượt quá sẽ phải thêm lần lấy mẫu) với tổng kinh phí mỗi lần lấy mẫu tối thiểu khoảng 32 triệu đồng. Nếu tính toán, mỗi héc ta chè bình quân mỗi năm thu được 12 tấn chè búp khô. Như vậy, mỗi cân chè búp khô sẽ phải “gánh” khoảng 1.300 đồng tiền phí VietGAP nếu diện tích là 1ha (còn nếu diện tích là 5ha thì chỉ “gánh” khoảng 260 đồng/năm). Hơn nữa, phí gia hạn được tính dựa trên phí phân tích mẫu, phí nhân công và các khoản phí khác trong cả quá trình thực hiện nên số tiền 32 triệu đồng là mức phí tối thiểu, không thể thấp hơn. Còn việc cấp giấy chứng nhận 2 năm/lần là thực hiện theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp - PTNT nên không thể thay đổi.

 

Mặc dù sản phẩm chè an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu chưa có sự thay đổi về giá bán và năng suất, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà quy trình này đem lại, nhất là về việc góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính những người sản xuất. Về vấn đề phải nộp phí gia hạn giấy chứng nhận dẫn đến nguy cơ khó duy trì, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc giải quyết kịp thời của các ngành chức năng. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, việc hỗ trợ kinh phí khi triển khai các mô hình đang vô tình “gây hiểu lầm” cho người dân là “làm hộ, làm giúp”, triển khai thử nghiệm, do đó bà con không chủ động trong việc thực hiện, khi không có sự hỗ trợ nữa thì dễ dàng từ bỏ, gây lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước. Nên chăng để tự người dân nếu có nhu cầu thì sẽ đăng ký thực hiện, còn về phía cơ quan chuyên môn chỉ hướng dẫn các khâu kỹ thuật trong việc áp dụng quy trình sản xuất này. Khi đó, việc duy trì, mở rộng diện tích chè VietGAP hoặc nộp phí gia hạn sẽ không còn là vấn đề đáng phải bận tâm như hiện nay.