Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, năm 2010, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX tỉnh đã được thành lập. Sau 6 năm đi vào hoạt động, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ, nhiều HTX, THT đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho thành viên và người lao động.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho biết: Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều HTX, THT trên địa bàn muốn đầu tư mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất; nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, hiện đại hóa công nghệ… nhưng lại không có vốn để đầu tư do đặc thù của loại hình kinh tế tập thể là vốn góp của các thành viên rất thấp. Trong khi đó, việc tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại lại gặp không ít khó khăn vì hầu hết các HTX, THT đều không có tài sản thế chấp. Trong điều kiện khó khăn đó, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được xem như “phao cứu sinh” của khu vực kinh tế tập thể. Đây không chỉ là nguồn hỗ trợ quan trọng để các HTX, THT phát triển, tăng thêm nguồn lực tài chính, đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… mà còn là tiền đề quan trọng để các HTX, tổ hợp tác có thêm điều kiện đầu tư vào những dự án mang tính đột phá hướng về nông nghiệp, nông thôn, áp dụng những tiến bộ và chuyển giao công nghệ phù hợp.
Tháng 9-2014, THT sản xuất mỳ gạo Bảo Cường (xã Bảo Cường, huyện Định Hóa) được thành lập với 4 thành viên là những hộ gia đình làm nghề sản xuất mỳ gạo lâu đời trên địa bàn xã. Cũng giống như nhiều tổ hợp tác mới thành lập khác, những ngày đầu, tổ hợp tác sản xuất mỳ gạo Bảo Cường phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất, mua nguyên liệu, máy móc và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các thành viên THT đã nhiều lần “gõ cửa” các ngân hàng thương nhưng do không có tài sản thế chấp nên THT không được vay vốn. Đúng lúc đó, được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, THT đã tìm đến Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và được vay số vốn 150 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, THT đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng gần 100m2, mua dàn phơi inox, máy xay sát gạo và máy đóng gói… để phục vụ sản xuất. Sau một thời gian ngắn, THT đã dần đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 4 thành viên cùng hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng.Trung bình, mỗi tháng THT cung ứng ra thị trường trên 2 tấn mỳ gạo Bao Thai, sản phẩm của THT được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và đã từng bước tạo dựng được uy tín trên thị trường. Đầu tháng 11 vừa qua, THT sản xuất mỳ gạo Bảo Cường đã chính thức chuyển đổi để thành lập HTX Nông nghiệp Bảo Cường với thêm 6 thành viên mới. Cùng với đó, HTX đã hoàn trả lại toàn bộ số vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và tiếp tục làm đơn xin vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hưởng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Cường chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà chúng tôi mới phát triển được như ngày hôm nay. Hiện tại, chúng tôi không chỉ sản xuất mỳ gạo mà còn mở thêm dịch vụ cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Rau an toàn, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, trứng vịt… cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn huyện và T.P Thái Nguyên.
Được thành lập từ năm 2010, HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) đã sớm tạo dựng được thương hiệu trên thị trường với sản phẩm miến dong nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, gần đây, do nhu cầu mở rộng thị trường nên HTX gặp khó khăn về nguồn vốn. Trước tình hình đó, đầu năm 2016, HTX được vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Từ nguồn vốn này, HTX đã đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất miến tự động thay thế cho việc sản xuất thủ công trước đây. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cũng như chất lượng miến làm ra của HTX đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, mỗi tháng HTX chỉ sản xuất được 10 tấn miến thì nay công suất tăng lên 20 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong tỉnh và các địa phương lân cận mà nay còn mở rộng ra các tỉnh, thành miền Nam như: T.P Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cà Mau… Doanh thu từ đầu năm đến nay của HTX đạt trên 12 tỷ đồng (cao gấp 1,5 lần so với năm 2015); thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã ký kết hợp đồng cho gần 300 lượt khách hàng là các HTX, THT trên địa bàn tỉnh vay vốn ưu đãi với tổng doanh số cho vay đạt trên 75 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Quỹ đã thẩm định và giải ngân số tiền 17,2 tỷ đồng cho 65 HTX, THT đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ số vốn được cấp ban đầu là 5 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn điều lệ Quỹ đang quản lý đã tăng lên 22,52 tỷ đồng. Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác sau khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê cho thấy, các HTX, THT sau khi được vay vốn đã tăng doanh thu trung bình 45,7%, lợi nhuận tăng bình quân 20,5% qua các năm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương thêm khoảng 35% với mức thu nhập cao hơn trên 10%, nộp ngân sách nhà nước tăng 15,6%...
Có thể thấy rằng, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho nhiều HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hầu hết các HTX, THT đều mong muốn được gia hạn thêm thời gian cho vay và nâng hạn mức cho vay cao hơn để có thể phát huy được nội lực của mình, giúp phát triển thành phần kinh tế tập thể ngày càng bền vững.