Hiện nay, T.P Sông Công đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển đô thị. Bình quân hằng năm, thành phố có từ 10-20ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như tăng thu nhập cho người dân, thành phố từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp...
Những ngày này, có dịp đi qua những ruộng chè xanh mướt đang độ thu hoạch ở các xã: Bá Xuyên, Vinh Sơn, Bình Sơn, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Nguyên, xóm Chũng Na, xã Bá Xuyên cho biết: “Năm 2007, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng các giống chè giâm cành LDP1, Phúc Vân Tiên. Không chỉ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, tôi còn được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách thu hái, sao, vò chè bằng máy. Nhờ đó, chất lượng chè được nâng lên rõ rệt, giá bán cao hơn từ 30-50 nghìn đồng/kg”.
Theo ông Trần Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế T.P Sông Công, hiện trên địa bàn thành phố có 632ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã: Bá Xuyên, Vinh Sơn, Bình Sơn, Tân Quang. Tuy không phải là loại cây trồng thế mạnh nhưng chè cũng là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Vì thế, trong những năm qua, thành phố đã chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất chè an toàn; khuyến khích nông dân đưa giống chè lai, chè nội nhập có năng suất, chất lượng cao như LDP1, Kim Tuyên, Bát Vân Tiên vào trồng mới và trồng thay thế. Đến nay, diện tích chè giống mới là 330ha (chiếm 52,2%), tăng 11,2% so với năm 2010; năng suất chè tươi đạt 107,6 tạ/ha, tăng 13,2%; sản lượng chè búp tươi đạt trên 6.000 tấn/năm, tăng bình quân 6%/năm; trên 137ha chè được trồng mới trong giai đoạn 2010-2015, giá trị sản xuất đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Cùng với phát triển cây chè, thành phố cũng bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây rau màu tập trung tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Lương Châu. Để người dân sản xuất có hiệu quả, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ thực hiện theo tiêu chuẩn Viêt GAP...
Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, T.P Sông Công còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt và tăng thu nhập cho người dân. Tân Quang là một trong những xã đi đầu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Với hơn 300ha đất trồng lúa 2 vụ, từ năm 2013, xã đã xây dựng các cánh đồng một giống lúa lai LC212, Syn6, BTE1 (quy mô từ 5-10ha), cho năng suất từ 55-60 tạ/ha (cao hơn 5-7 tạ so với các giống lúa thuần). Ở những chân ruộng cao, trồng lúa kém hiệu quả, nông dân chủ động đưa giống khoai tây Atlantic vào trồng với diện tích khoảng 20ha, cho thu nhập trên 75 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, với diện tích vườn đồi gần 300ha, đến nay, xã đã hình thành được vùng cây ăn quả tập trung với giống bưởi Diễn (diện tích 70ha) thay thế cho những loại cây ăn quả (nhãn, vải thiều, hồng) kém hiệu quả. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục nhân rộng và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 5ha) để từng bước xây dựng thương hiệu cho loại bưởi này. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Nhờ linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt của xã đạt 87 triệu đồng/ha/năm (năm 2010 là 66 triệu đồng/ha), thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ tập trung cho phát triển trồng trọt, thành phố cũng kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn trâu, bò theo hướng lấy thịt ở các xã Bá Xuyên, Bình Sơn, Vinh Sơn; khuyến khích phát triển đàn lợn nái lai, lái ngoại trong cả chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nông hộ ở xã Tân Quang và phường Lương Châu. Trên địa bàn thành phố hiện có 56 trang trại (49 trang trại gà, 7 trang trại lợn) và 137 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 318 tỷ đồng; tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội ngành đạt gần 52%.
Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp trên, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công đã có những kết quả tích cực: tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 634,2 tỷ đồng (năm 2010 là 386,5 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân đạt 10,6%/năm; giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt đạt xấp xỉ 90 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND T.P Sông Công, mặc dù giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế (khoảng 5%) nhưng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lại khá lớn, chiếm 55%. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 1.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Vì vậy, năm 2016, Thành phố đã bắt đầu thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chính của Đề án là sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp còn lại; tạo mối liên kết trong sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân; đảm bảo ổn định sản lượng lương thực và an toàn thực phẩm để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.