Góp phần xây dựng thương hiệu chè Đại Từ

17:40, 06/11/2016

Huyện Đại Từ là một trong những địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh (hơn 7.000ha), nhưng thời gian qua, chè Đại Từ vẫn chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã cùng địa phương xây dựng thương hiệu chè Đại Từ bằng cách hỗ trợ, giúp đỡ người trồng chè sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua chương trình phục hồi kinh tế.

Chè an toàn - Vấn đề người tiêu dùng quan tâm

 

Ông Nguyễn Văn Cường, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) bày tỏ: “Uống trà là thói quen hàng ngày của hầu hết các gia đình ở Thái Nguyên. Tôi cũng là người “nghiện” trà đã mấy chục năm nay. Nhưng mấy năm gần đây, tôi cũng như nhiều người có thói quen thưởng trà rất lo ngại về vấn đề chè có an toàn hay không vì nhiều gia đình phun các loại thuốc trừ sâu độc hại, chưa đảm bảo thời gian theo quy định đã thu hái. Thực tế này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Tôi mong người trồng chè sẽ tích cực xây dựng mô hình chè an toàn. Còn chị Nguyễn Thị Dung, ở xóm 11, xã Hà Thượng băn khoăn: Chồng và con tôi dều thích uống trà. Tôi không dám mua chè ở ngoài chợ về uống, chỉ dám mua của người quen, nhưng cũng không biết có thật sự đảm bảo hay không. Nhưng nếu người trồng chè đã được cơ quan chức năng kiểm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thì tôi mới thực sự yên tâm.

 

“Chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại “nóng” như thời gian này, việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng càng được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu. Trong khi tỉnh ta còn nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ trồng chè sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thì việc làm của NuiPhao Mining là rất đáng trân trọng...”- Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh đã nói với chúng tôi như vậy.

 

Xã hội hóa nguồn lực để sản xuất chè an toàn

 

Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cho biết: Chúng tôi không chỉ xây dựng một mô hình mỏ bền vững mà còn mong muốn tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng lân cận thông qua việc hỗ trợ phát triển thế mạnh của địa phương cũng như bắt kịp theo xu hướng của thời đại. Chính vì thế, từ năm 2007, NuiPhao Mining đã mời các chuyên gia về tư vấn kỹ thuật tại buổi tập huấn “Canh tác chè theo hướng bền vững” thu hút hơn 400 hộ dân thuộc các xã Hà Thượng, Tân Linh, Cát Nê và Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) tham gia. Ngày 29-7-2013,18 hộ dân đầu tiên ở xóm 7 (Hà Thượng) đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm Chè an toàn theo quy trình VietGAP. Đời sống của người làm chè ở xóm 7 cũng như các xóm khác ở Hà Thượng đã được cải thiện nhờ năng suất, chất lượng tăng 1,5 lần so với trước.

 

Từ thành công mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP ở xóm 7, với mong muốn đưa mô hình chè an toàn lan tỏa trong cộng đồng địa phương, đầu năm 2014, NuiPhao Mining tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè an toàn cho các xã Tân Linh, Hà Thượng và thị trấn Hùng Sơn. Ngày 20-11-2014, gần 70 hộ dân của xã Tân Linh và thị trấn Hùng Sơn tiếp tục được cấp Giấy chứng nhận Chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Gần đây nhất, trong tháng 10 vừa qua, hơn 100 hộ trồng chè ở xã Tân Linh, Hà Thượng, Phục Linh đã được công nhận sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 25ha. Như vậy, hơn 3 năm qua, NuiPhao Mining đã hỗ trợ trên 200 hộ dân sản xuất chè  theo quy trình VietGAP trên diện tích hơn 50ha.

 

“Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Bởi đây là chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường năng lực cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường, góp phần giúp cây chè phát triển bền vững... Chương trình sẽ đồng hành cùng các địa phương cho đến khi Dự án Núi Pháo kết thúc. Chúng tôi xác định, NuiPhao Mining cũng là một thành viên trong cộng đồng gia đình các địa phương trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án, nên luôn nêu cao trách nhiệm xã hội của mình trong mọi chương trình, hoạt động có liên quan. Tổng chi phí các chương trình phục hồi kinh tế cho người dân vùng Dự án tính đến nay khoảng 40 tỉ đồng. Trong đó, hơn 400 triệu đồng là số tiền NuiPhao Mining đã hỗ trợ hơn 200 hộ dân các xã trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án, sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP.”- Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Nui Phao Mining cho biết.

 

Anh Đào Văn Thành, ở xóm 5, xã Tân Linh phấn khởi: Nhờ tham gia các lớp tập huấn chăm sóc, chế biến chè an toàn theo tiêu VietGAP do NuiPhao Mining phối hợp với ngành chức năng tổ chức, gia đình tôi đã biết cách thu hái đúng kỹ thuật. Giá bán chè đã cao hơn từ 20-30 nghìn đồng/kg (tùy từng loại chè). Sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, sản phẩm chè sẽ không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không gây độc hại cho người uống trà và cả người sản xuất, hạn chế được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

 

Với tôn chỉ phát triển phải gắn kết và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, trong suốt những năm qua, NuiPhao Mining đã đồng hành với các địa phương, đặc biệt với những người dân trong vùng ảnh hưởng của Dự án phát triển cây chè, xây dựng vùng chè an toàn, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm chè Thái nói chung và chè Đại Từ nói riêng. Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cho biết thêm: Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ những hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP nhằm mang lại năng suất, chất lượng cao, góp phần tích cực trong việc xây dựng thương hiệu chè Đại Từ đồng thời hỗ trợ chè Đại Từ vươn ra tầm quốc tế, tạo thương hiệu bền vững cho vùng chè nổi tiếng này.