Học thành kỹ sư cơ khí về làng làm giàu

14:26, 25/11/2016

Từ một thanh niên nông thôn đi học nghề cơ khí rèn dao, hàn cuốc, rồi trở thành kỹ sư tự động hóa và trở về phục vụ quê hương; nhờ có kinh nghiệm, kiến thức đã mang lại cho anh thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Anh luôn tâm niệm một điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã căn dặn thanh niên: “Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng phức tạp, máy móc ngày càng tinh xảo. Mình mà không chịu học tập thì sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu cũng chính là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Đó chính là thanh niên điển hình tiên tiến, tỷ phú trẻ tuổi Nguyễn Duy Hưng, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.

Ép mùn cưa ra tiền tỷ

 

Đến huyện Phú Bình, hỏi mua mùn cưa, ai cũng chỉ về xóm Trại, xã Kha Sơn gặp tỷ phú trẻ anh Nguyễn Duy Hưng. Nhiều người biết anh vì bất cứ cơ sở, làng nghề mộc nào cũng đã từng nhận được “đơn đặt hàng” thu mua phế thải mùn cưa làm than đốt từ một thanh niên trẻ xóm Trại, xã Kha Sơn. Sinh năm 1987, là con út trong một gia đình có 4 anh em, Hưng vốn là một thanh niên hiền lành, năng động và chịu khó học hỏi, nên ngay từ khi học xong THPT, Hưng đã biết cắt, gọt, hàn, tiện nhôm, sắt làm đồ gia dụng. Năm 2005, Hưng theo học Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên và đến năm 2007 tốt nghiệp về làng mở xưởng. Ban đầu chỉ làm công việc hàn, cắt nông cụ…rồi tham gia thiết kế, hoán cải, sửa chữa máy nông nghiệp. Đến năm 2008, anh học tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên chuyên ngành Tự động hóa. Nhận thấy nơi quê hương của mình, bà con vẫn còn sử dụng củi đun hoặc dùng than cám, hoặc than đa, có rất nhiều khói và khí độc. Để nấu ăn hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhóm lửa, chuẩn bị củi, than… nhất là vào thời điểm khi trời mưa. Xuất phát từ thực tế đó, anh đã tạo ra một nguồn nhiên liệu đốt mới, là những viên nén mùn cưa được sản xuất từ rơm rạ kết hợp với mùn cưa thông qua việc nghiền, phơi, sấy, nén, sau đó cho thành phẩm vào máy ép tạo ra sản phẩm viên nén.

 

Cơ sở gia công cơ khí và sản xuất mùn cưa Hưng Phương của anh được thành lập từ năm 2009. Đến năm 2010, anh mở rộng nhà xưởng để sản xuất viên nén mùn cưa quy mô hộ gia đình cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày và cho các trường mầm non quanh địa phương.

 

Anh Hưng nhớ lại: Tôi đã đến nhà máy của Công ty cổ phần Sản xuất Ván dăm Thái Nguyên, Công ty cổ phần Chế bến Lâm sản Yên Bái… tìm hiểu về quy trình này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, tôi đã phát hiện ra những nhược điểm của quy trình sản xuất công nghiệp, đó là: Các công ty đều đầu tư công nghệ hiện đại dựa trên những tham số về nguồn nguyên liệu mùn cưa từ những năm trước 2000 (khi còn tồn tại lâm trường quốc doanh, khai thác gỗ theo chỉ tiêu hàng năm, chưa có tham số tái tạo trồng rừng và khai thác gỗ sau chu kỳ trồng rừng, thực tế này khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng, khi có mùn cưa thì chạy tối đa công suất, nhưng khi không có thì công nhân phải đi thu gom nguyên liệu. Sản phẩm viên nén làm ra để lâu dễ hút ẩm và nhanh hỏng, kém phẩm cấp…Trong khi lượng phế phẩm (mùn cưa) lại chỉ có nhiều trong các xưởng chế biến gỗ theo dạng hộ gia đình… Từ thực tế này, anh Hưng đã thiết kế hệ thống máy ém, nén viên mùn cưa quy mô hộ gia đình (chỉ bằng 1/10) các nhà máy và duy trì hoạt động liên tục theo công suất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Đầu tiên anh Hưng bắt tay vào thực hiện việc thay thế than bùn, than đá và củi khô tại các bếp ăn tập thể trong các nhà trẻ, lớp học mầm non…; rồi tiến đến đầu tư cho các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hình thức thiết kế bếp đun và bán sản phẩm.

 

Viên nén mùn cưa là một loại nhiên liệu sinh khối làm bằng mùn cưa được ép trong quá trình ép với vận tốc cao, tạo thành dạng viên nhỏ. Kích thước nhỏ củaviên nén chỉ bằng que đũa ăn, tiện lợi cho vào bếp đun, máy móc thiết bị tạo nhiệt… Đồng thời giữ được nhiệt ổn định lâu hơn so với than bùn và than đá. Ngoài ra viên nén mùn cưa là một nhiên liệu sinh học rất thân thiện với môi trường. Bởi mùn tro của loại nhiên liệu này không ảnh hưởng đến môi trường như những loại chất đốt khác. Với kích thước viên nén nhỏ, nên rất dễ trong việc đóng gói vận chuyển, lưu kho. Hiện tại, anh Hưng có nhiều quy cách đóng gói sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn cho nhu cầu sử dụng của mình gồm bao 10 kg, 20 kg, 50 kg, 750 kg. Theo tính toán, anh Hưng cho biết, mỗi năm thu nhập trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí đầu vào, trả công cho người lao động, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt từ 5-6triệu đồng/tháng.

 

Nhà máy chỉ 4 công nhân

 

Vào xóm Trại dịp cuối năm, không ai không khỏi thăc mắc: Xe container chở mùn cưa về xóm, tiêu thụ sao cho hết…Tuy nhiên, với bản hợp đồng từ phía Công ty May Hàn Quốc, mỗi tháng bao tiêu từ 10-12 tấn viên nén mùn cưa trong cả năm, đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Đặc biệt, với dây chuyền điều khiển tự động do chính anh Hưng thiết kế, chế tạo đã tạo việc làm thường xuyên, liên tục cho 4 người lao động tại địa phương, thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Hưng, khó nhất vẫn là việc cảm nhận độ ẩm sau phơi nắng tự nhiên, bởi lẽ, mỗi xẻng nguyên liệu đầu vào có độ hút ẩm khác nhau, nếu sơ xuất coi như mẻ nguyên liệu đó bị bỏ đi… Ngược lại, nếu đầu tư lớn thì sẽ có lúc phải chờ nguyên liệu hoặc tổ chức lại lao động…Sau khi chế tạo thành công hệ thống chuyển tải nguyên liệu tự động, lắp đặt máy thu gom, phân loại chất liệu, trọng lượng mùn cưa đã hình thành quy trình sản xuất liên hoàn,thay thế cách phân loại nguyên liệu thủ công và thiết bị chay liên tục với công suất 1 tấn/ngày và chỉ cần 3-4 công nhân vận hành, thay vì sử dụng 6-8 người vừa phơi, vừa chuyển tải nguyên liệu vào dây chuyền ép mùn.

 

Sau 5 năm vừa sản xuất, vừa cải tiến dây chuyền, sản phẩm viên nén mùn cưa của gia đình thanh niên Nguyễn Duy Hưng đã tiếp cận được với doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo từng năm. Chia sẻ với chúng tôi về những thành công, anh Dương Duy Hưng cho biết: “Tôi nghĩ, việc học và nâng cao kiến thức phải bắt đầu từ mục đích công việc của bản thân. Chính vì vậy tôi xác định không phải học để đi xin việc đâu xa, mà ngay tại địa phương đang cần những dịch vụ bắt đầu từ kiến thức khoa học ứng dụng trong cuộc sống”. Với những thành tích lao động sáng tạo liên tục trong năm 2015 và 2016, anh Hưng đã vinh dự được tham dự Lễ biểu dương thanh niên nông thôn lao động sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất toàn quốc.