Công nghiệp phụ trợ (CNPT) không còn là lĩnh vực mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh thu hút đầu tư vào tỉnh tăng trưởng ngày càng mạnh (đặc biệt là đầu tư nước ngoài), các doanh nghiệp (DN) địa phương lại dường như đang đứng ngoài cuộc, nhường “sân chơi” cho những DN nước ngoài hoặc bỏ hổng cho các đơn vị nhập khẩu linh, phụ kiện về sản xuất, lắp ráp. Vậy, hướng mở trong lĩnh vực này đang được đặt ra như thế nào?
Từ hơn 10 năm nay, CNPT trên địa bàn tỉnh nổi bật với nhiều tên tuổi lớn, như: Công ty cổ phần (CP) Phụ tùng máy số I, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Diesel Sông Công, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG… Tham gia sản xuất phụ trợ cho nhiều đối tác, các DN này chính là những đơn vị tiên phong về CNPT và đến nay vẫn đang khẳng định vị thế khi mỗi năm đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập khá.
Tuy nhiên, đó là những cái tên đã “cũ” trong bối cảnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn ngày càng lớn và kinh tế của tỉnh đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Thời gian qua, nhiều DN nước ngoài đã đầu tư hàng chục dự án sản xuất CNPT tại Thái Nguyên, đặc biệt là các dự án phụ trợ cho Tập đoàn Samsung. Đáng chú ý trong số đó phải kể đến Công ty TNHH Dong Yeon Industrial (Hàn Quốc) với các nhà máy sản xuất màn hình cảm biến, bo mạch, khe cắm thẻ nhớ trên điện thoại di động; Công ty Bujeon Electronics (Hàn Quốc) với Nhà máy Điện tử Glonics Việt Nam chuyên sản xuất tai nghe cung cấp cho các đối tác sản xuất điện thoại di động (tiêu biểu là Samsung); Công ty TNHH Alutec Vina (Hàn Quốc) với nhà máy chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm từ nhôm hỗ trợ lĩnh vực xây dựng và sản xuất điện thoại di động… Việc các DN nước ngoài tăng cường đầu tư vào Thái Nguyên cũng là điều dễ hiểu khi mà sức hút từ thành công trong đầu tư Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung là rất lớn. Bên cạnh đó, việc Samsung triển khai dự án đầu tư thuận lợi trên địa bàn tỉnh cũng là một sự “ghi điểm” của tỉnh đối với cộng đồng DN Hàn Quốc khiến đầu tư FDI cho CNPT tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc khi triển khai một dự án lớn thì những tập đoàn lớn như Samsung đã chuẩn bị từ trước việc hợp tác với các đối tác truyền thống sản xuất CNPT cùng đầu tư để có thể tạo sự ổn định ngay khi đi vào sản xuất...
Song, không vì thế mà không có cơ hội cho các DN nội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các đối tác lớn, các đối tác là những nhà đầu tư FDI lớn? Trao đổi với chúng tôi bên lề các hoạt động của Techdemo 2016 (sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ) được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho rằng: Thái Nguyên là địa phương tiềm năng phát triển tốt CNPT. Với dự án lớn của Samsung đang hoạt động hiệu quả ở đây thì tôi cũng cho rằng sẽ có thêm nhiều DN Hàn Quốc hợp tác với DN Việt Nam tại Thái Nguyên để chuyển giao công nghệ sản xuất CNPT ngay tại tỉnh.
Rõ ràng là trong tương lai gần, việc hợp tác này sẽ giúp các DN địa phương ngay lập tức tiếp cận với các công nghệ mới để sản xuất. Về lâu dài, quan hệ hợp tác đó sẽ dẫn tới kết quả là trình độ sản xuất, công nghệ của các DN địa phương dần được nâng lên. Đến một trình độ nhất định, các DN địa phương hoàn toàn có thể đứng độc lập sản xuất CNPT để cung ứng cho các chuỗi sản xuất lớn như Samsung. Để làm được việc này, trước tiên các DN, doanh nhân của tỉnh phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu sản phẩm CNPT của các DN sản xuất lớn. Từ đó, lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất tại địa phương để tìm những đối tác sở hữu công nghệ trong lĩnh vực đó tiến tới đàm phán hợp tác, chuyển giao. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng cần có cơ chế khuyến khích các DN trong tỉnh đi theo hướng này bởi nếu các DN đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ của riêng mình thì sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể đi vào thực tiễn sản xuất trong khi nguy cơ rủi ro lại cao.
Cũng về lĩnh vực hợp tác chuyển giao công nghệ, ông Shin Young Chul, Giám đốc Công ty Estbike - chuyên sản xuất bánh răng truyền động cho động cơ, thành viên Hiệp hội DN công nghệ Hàn Quốc (InnoBiz) cho biết: Hiện, InnoBiz có trên 18 nghìn thành viên là các DN vừa và nhỏ, trong đó hầu hết là các DN sản xuất CNPT. Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng số DN Hàn Quốc nhưng toàn bộ Hiệp hội tạo ra tới gần 40% lượng việc làm ở Hàn Quốc. Nói như thế để thấy CNPT đã phát triển rất mạnh tại Hàn Quốc và rất nhiều DN giống như Estbike muốn hợp tác với các DN Việt Nam để tận dụng thành tựu công nghệ sẵn có đưa vào sản xuất tại Việt Nam cung cấp cho các DN lớn. Sự hợp tác này sẽ có lợi cho cả hai bên bởi nhiều DN Việt Nam hiện đang thiếu công nghệ trong khi nhiều DN Hàn Quốc như Estbke chưa đủ lực đầu tư độc lập vào thị trường Việt Nam nhưng lại đang sở hữu nhiều công nghệ có tính khả thi cao đã được kiểm chứng tại Hàn Quốc và sẵn sàng chuyển giao cho đối tác phù hợp.
Thông tin thêm về lĩnh vực này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Với định hướng hợp tác chuyển giao công nghệ trong sản xuất, hơn 1 năm qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã làm cầu nối để hơn 100 DN thuộc InnoBiz vào triển khai các dự án đầu tư tại một số tỉnh, thành như: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh... Trong đó, hầu hết là các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ để sản xuất CNPT. Tại Techdemo 2016, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng phối hợp với InnoBiz để đưa gần 15 DN trực tiếp trao đổi, đàm phán để tìm cơ hội kết nối, chuyển giao công nghệ với DN Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong một số lĩnh vực như: thiết bị y tế, bao bì, linh kiện điện tử, kết cấu thép xây dựng, phụ kiện điện tử, công nghệ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… Với quỹ thời gian của sự kiện không dài, chúng tôi không tổ chức được nhiều hoạt động trao đổi giữa hai bên nhưng tôi cho rằng, đây có thể sẽ là điểm khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên. Tới đây, bất cứ DN, doanh nhân của Thái Nguyên có nhu cầu tìm hiểu cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ về công nghiệp phụ trợ nói riêng và công nghệ sản xuất nói chung với các nước phát triển (như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu) đều có thể liên hệ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệđể được trợ giúp cụ thể. Chúng tôi cam kết sẽ là cầu nối để giúp các DN trên địa bàn tiếp cận với thành tự công nghệ hiện đại của các nước phát triển để đưa vào sản xuất…