Liên kết để có thực phẩm an toàn

10:00, 24/11/2016

Nhằm mục đích liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế, từ năm 2010, một số hộ chăn nuôi ở xóm Thông, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi. Từ mô hình này, người dân đã tạo ra hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là hướng đến việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Buổi họp của thường kỳ tháng 11 của các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi xóm Thông diễn ra khá sôi nổi. Những thông tin về sự việc mang tính thời sự trong nước như “biến lợn chết thành lợn mán” hay các tin tức về tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin hay phòng bệnh cho đàn vật nuôi khi mùa đông sắp đến đều được thông tin đầy đủ tới bà con. Ông Trương Văn Đồng, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: Mỗi lần họp, chúng tôi đều được thông tin cho bà con về tình hình thời sự liên quan đến việc chăn nuôi của các hộ gia đình, các dịch bệnh mới nổi, các loại thức ăn, thuốc thú y mới… để bà con cùng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi với nhau. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Tổ hợp tác chú trọng tuyên truyền cho các thành viên về việc không sử dụng chất cấm, chất kích thích, không làm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

 

Được biết, từ năm 2010, một số hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn xóm Thông đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác để thúc đẩy hoạt động chăn nuôi. Các thành viên trong Tổ hợp tác có nghĩa vụ hỗ trợ nhau kinh nghiệm chăm sóc, hạn chế rủi ro, tạo nguồn sản phẩm cung ứng ra thị trường với giá thống nhất. Mỗi tháng, Tổ hợp tác sinh hoạt một lần để nắm bắt những khó khăn của hội viên và tìm cách tháo gỡ. Tổ trưởng chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường cũng như thông tin về tình hình dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để khuyến cáo các hộ thành viên điều chỉnh quy mô đàn, có biện pháp chăm sóc, phòng bệnh phù hợp. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động theo hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, Tổ hợp tác đã ngày càng phát triển, thu hút sự tham gia của các hộ dân trong xóm. Hiện nay, tổ hợp tác có 30 thành viên, trong đó có 18 hộ chăn nuôi lớn theo hình thức trang trại, gia trại. Mỗi năm, các hộ gia đình trong Tổ hợp tác cung cấp ra thị trường khoảng trên 200 tấn lợn thịt và hơn 100 tấn gà thịt.

 

Anh Vũ Thạch Tập, thành viên Tổ hợp tác cho hay: Nhờ học hỏi kiến thức từ các hộ trong Tổ hợp tác, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi được bố trí khoa học, mang lại hiệu quả cao. Khu vực chuồng nuôi lợn của gia đình tôi được chia làm các ô, nằm cách biêt với nhà ở. Các ô chăn nuôi được bố trí ngăn nắp, khoa học, được đầu tư hệ thống làm mát, hệ thống thoát nước, hầm biogas, chuồng trại được vệ sinh 2 lần/ngày rất sạch sẽ. Xung quanh chuồng nuôi lợn, tôi trồng thêm nhiều cây xanh giúp tạo bóng mát và hạn chế mùi hôi. Hiện nay, gia đình anh Tập đang nuôi hơn 100 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất ra thị trường khoảng trên 30 tấn lợn thịt, cho doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng mỗi năm.

 

Theo ông Tạ Tấn Hàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác: Các hộ gia đình trong Tổ hợp tác đều thực hiện chu trình khép kín từ khâu chọn con giống trước khi nhập nuôi, tiêm phòng vắc xin, cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau thông tin về các trang trại cung cấp giống chất lượng cao, được cấp  giấy chứng nhận VietGAP, các hãng cám uy tín đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng. Bên cạnh sự giám sát của cán bộ thú y địa phương, các hộ chăn nuôi trong Tổ hợp tác còn ký cam kết chăn nuôi đảm bảo an toàn, thực hiện giám sát lẫn nhau trong sản xuất. Tổ hợp tác thường xuyên kết hợp với chính quyền xã Tân Khánh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện,  Trạm Thú y tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm, cách sử dụng đúng cách các loại thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cho thành viên. Tổ hợp tác cũng liên kết ký hợp đồng với một lò giết mổ ở xã Đào Xá để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhờ liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bà con đã dần bỏ thói quen sản xuất manh mún, nâng cao giá trị chăn nuôi và từng bước đặt nền móng cho việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.

 

Ông Nguyễn Bá Trực, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Chăn nuôi là một trong những hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã. Trên địa bàn xã hiện có 78 hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Hàng năm, sản lượng gà thịt xuất chuồng đạt 700 tấn, sản lượng lợn thịt đạt trên 800 tấn. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền cho bà con về việc sản xuất thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của sản phẩm trên thị trường. Trong đó, Tổ hợp tác chăn nuôi xóm Thông là một trong những mô hình đi đầu ở xã trong liên kết chuỗi hướng đến sản xuất an toàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tập huấn kiến thức, khảo sát và hướng dẫn quy trình cấp giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác để bà con an tâm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị chăn nuôi và cung cấp cho thị trường thêm một địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn.