Cùng làm chè trên cùng một vùng đất, nhưng ông Bàng Văn Thanh, xóm Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) lại luôn tạo ra sản phẩm khác biệt về chất lượng, giá thành luôn cao gấp 2-3 lần so với các hộ làm chè khác trong xóm và được thương lái khắp nơi tìm đến thu mua. Chính bởi vậy mà ông được người dân trong xã nể trọng gọi là nghệ nhân. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động trong phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi.
Về đến thị trấn Hùng Sơn hỏi ông Bàng Văn Thanh, chúng tôi được người dân ở đây nhiệt tình chỉ dẫn đến tận nhà. Từ thị trấn vào xóm Khuôn Gà hơn 2km, nhà nghệ nhân Thanh ở cuối nhánh đường bê tông mới làm, ngôi nhà nằm ngang lưng đồi, phía sau là bạt ngàn chè xanh, trước mặt là vườn bưởi, cam trĩu trái. Nhìn diện tích đồi, vườn rộng lớn, căng tràn sức sống, khó có thể tin rằng, nhân lực chủ yếu là hai ông bà năm nay đều đã ngoài 60. Bên ly trà đượm hương, ông Thanh kể về hành trình đưa cây chè về đất đồi Khuôn Gà: Trước năm 1973, ở đây là khu rừng rậm rạp, tôi cùng một số người dân vào đây khai phá để trồng lúa mố, nhưng cây lúa vốn ưa nước không sống nổi ở vùng đất cằn cỗi này, chúng tôi lại chuyển sang trồng sắn, rồi cây sắn hiệu quả kém, người dân lại trồng chè để thay thế. Thế rồi, hợp đất cây chè phát triển tốt và người dân dần dần mở rộng diện tích, cây chè trở thành cây trồng chủ lực ở đây. Tuy nhiên, lúc này bà con chỉ trồng toàn giống chè trung du, năng suất, chất lượng không cao. Sau khi tìm tòi, đi một số tỉnh để tham quan, học hỏi, tôi về quyết tâm chuyên tâm đầu tư vào sản xuất chè. Việc đầu tiên là chuyển đổi giống, sau khi trồng thử một sào chè lai để làm phép so sánh, nhận thấy cây chè lai cho hiệu quả tốt, tôi liền phá bỏ chè trung du để thay thế dần bằng các giống chè lai như: LDP1, Bát Tiên, Long Vân, Phúc Vân Tiên…
Là một trong những người đầu tiên đưa giống chè lai vào trồng, thời điểm này, chưa có nguồn cung cấp giống, ông phải tự mình giâm cành, ươm giống, cũng chẳng có ai hướng dẫn, trao đổi về kỹ thuật nên ông tự mình mày mò qua sách báo rồi làm. Hầu như ngày nào cũng có các đoàn khách ở các nơi đến nhà ông để học tập kinh nghiệm, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn và cung cấp giống cho nhiều địa phương. Đến nay, gia đình ông có trên 15 sào chè, hầu hết là chè lai, mỗi năm ông thu 8 lứa, mỗi lứa 3 tạ búp khô. Tính đến nay, ông Thanh đã có trên 50 năm làm nghề, lĩnh hội, tích lũy đầy đủ những ngón nghề trong sản xuất, chế biến chè, ngoài những kiến thức cơ bản, ông còn có nhiều bí quyết riêng để tạo ra sản phẩm chè thơm, ngon đặc biệt, ngoài ra, ông còn là một trong những người đầu tiên ở đây áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap. Có lẽ bởi ông luôn là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, cộng thêm những kinh nghiệm tự đúc rút, ông được đánh giá như một chuyên gia về sản xuất chè đặc sản. Sản phẩm chè của gia đình ông có giá bán lúc nào cũng cao gấp 2, gấp 3 lần giá chè của bà con trong xóm. Ngoài làm chè, với sự cần cù, chịu khó, trên diện tích đất rộng khoảng 4ha của gia đình, ông tận dụng tối đa, không bỏ trống dù chỉ là một khoảnh nhỏ. Đồi cao, ông trồng tràm, vườn bãi thấp trồng cây cảnh và các loại cây ăn quả khác. Với thành tích đặc biệt trong sản xuất, ông Thanh từng được tham gia Đại hội Thi đua toàn quốc, được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương khen tặng. Trong đó, năm 2015, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
Không chỉ là người luôn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, ông Thanh còn được người dân Khuôn Gà thán phục bởi sự gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mọi phong trào ở địa phương, ông luôn là người làm trước, làm tốt. Đặc biệt là phong trào làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới. Dẫn chúng tôi đi dọc con đường bê tông mới trải, ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng xóm Khuôn Gà cho biết: Con đường này trước đây chỉ rộng 0,5m rất khó đi, bởi thế việc vận chuyển chè đi bán rất vất vả, tư thương cũng ngại đến thu mua, hoặc có đến thì cũng ép giá xuống khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng mấy năm nay, xóm triển khai xây dựng đường bê tông, nên xóm đã có nhiều thay đổi. Ban đầu, việc vận động đóng góp tiền để làm đường rất khó khăn, nhưng ông Thanh luôn là người tiên phong đóng góp, đồng thời cùng với Ban vận động của xóm tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc làm đường giao thông, từ đó, người dân đồng tình ủng hộ. Riêng ông Thanh, ngoài việc đóng góp trên 10 triệu đồng để làm đường trục xóm, ông còn vận động gần 10 hộ dân xung quanh đóng góp thêm tiền để làm đường nhánh vào tận nhà và hiến cả vườn chè rộng 2 sào đang cho thu hái để phục vụ thi công.
Nói về việc làm này, ông Thanh vui vẻ: “Lợi ích thì ai cũng muốn, nhưng phải xem lợi ích nào lớn hơn. Việc làm đường để phục vụ bà con, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, tôi đâu thể chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của tập thể cộng đồng, sống phải vì mọi người. Vì lợi ích chung đó, tôi sẵn sàng đóng góp”. Suy nghĩ bình dị đó của ông Thanh đã có sức lan tỏa không nhỏ, đến người dân xung quanh, từ đó mọi người cùng tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề chè ngày càng khang trang.