Những năm qua, người trồng rau an toàn trên địa bàn T.P Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc họ không mấy mặn mà với việc sản xuất rau an toàn.
Đến cánh đồng rau Túc Duyên, vùng sản xuất rau lớn của T.P Thái Nguyên, chúng tôi thấy một số người dân đeo bình đi phun thuốc trừ sâu, có những thửa ruộng vỏ chai thuốc trừ sâu vứt ngay bên bờ ruộng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các hộ trồng rau ở đây chỉ trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm, không có hộ nào trồng rau theo quy trình và tiêu chuẩn VietGap.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Túc Duyên thông tin: Trước kia diện tích trồng rau trên địa bàn phường là rất lớn, do quá trình đô thị hóa, diện tích hiện thu hẹp chỉ còn khoảng 35 ha. Hầu hết người dân trồng rau theo thói quen, thấy sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, chứ theo một quy trình ngặt nghèo theo tiêu chuẩn VietGAP thì không có. Cách đây vài năm, xã đã triển khai mô hình trồng rau an toàn. Nhưng khi bán ra thị trường, người tiêu dùng chưa tin tưởng lựa chọn. Giá bán rau an toàn chỉ ngang với các loại rau khác, trong khi quy trình chăm sóc rất vất vả nên nông dân đã bỏ mô hình, quay lại phương pháp canh tác cũ. Gia đình anh Dương Quốc Thu, ở tổ 23 là một ví dụ. Vụ đông năm 2009, gia đình anh cùng 20 hộ dân khác gom đất, thành lập Hợp tác xã trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn nên anh và các hộ đều bỏ cuộc.
Không chỉ ở cánh đồng Túc Duyên, khi thăm cánh đồng rau Đồng Bẩm, chúng tôi cũng nhận thấy các hộ trồng rau tại đây chưa chú ý nhiều đến yếu tố sạch và an toàn. Ngay cả lấy nguồn nước để tưới rau, nhiều người lấy từ mương dẫn nước, có cả nước thải sinh hoạt của các hộ dân đổ xuống. Một người dân đang chăm sóc rau thật thà nói với chúng tôi: “Rau an toàn thì tôi đảm bảo vì sau mỗi lần phun thuốc đều cách ly đúng ngày mới đem bán, còn rau sạch thì tôi không dám chắc, vì nguồn nước tưới cho rau hàng ngày chúng tôi không kiểm nghiệm được”.
Còn chị Hoàng Thị Thau, xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm thì chia sẻ:Tôi có 2 sào ruộng, quanh năm trồng rau luân canh.Hiện tại, tôi vẫn trồng rau theo kiến thức học được từ các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn. Ngoài đầu tư kinh phí để khoan giếng lấy nước tưới, gia đình tôi còn ủ phân chuồng cho hoai sau đó mới bón cho rau, lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hạn chế phun. Nhưng khi đem ra chợ bán, người mua vẫn không tin và đánh đồng với các loại rau không an toàn nên tôi cảm thấy rất nản.
Dạo quanh một số siêu thị, các cửa hàng rau an toàn trên địa bàn T.P thái Nguyên, chúng tôi cũng hiếm gặp những sản phẩm rau của nông dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên làm ra. Lý giải cho câu hỏi tại sao bà con nông dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên không trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi được lãnh đạo Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên giải thích: Do diện tích trồng rau trên địa bàn Thành phố manh mún, nhỏ lẻ nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Ngoài ra, chi phí tạo dựng cơ sở hạ tầng và kiểm định chất lượng để được công nhận rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là khá cao, trong khi tiêu thụ chưa thuận lợi nên không nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Được biết, trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có gần 1.000ha đất trồng rau. Thực hiện theo chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, T.P Thái Nguyên đang vận động, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn, áp dụng công nghệ tiên tiến. Đây sẽ là cơ hội để các tổ chức, cá nhân đặc biệt là nông dân tham gia vào sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, cùng với chủ trương trên, chính quyền địa phương cấp xã, phường của Thành phố cũng phải thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc tạo ra sản phẩm rau an toàn để có sản phẩm tốt. Bởi, khi tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu, tạo dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng thì giá trị của sản phẩm mới được nâng lên và đứng vững trên thị trường.