Về xã Bình Sơn (T.P Sông Công) hỏi thăm nhà bà Lê Thị Quang (sinh năm 1962) ở xóm Khe Lim ai cũng biết, bởi gia đình bà có truyền thống làm chè ngon nức tiếng trong vùng. Bà Quang cũng là người tiên phong đưa cây chè cành về trồng và hướng dẫn người dân trong xóm nhân rộng diện tích.
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh bát ngát, đang độ thu hoạch của gia đình, bà Quang chia sẻ: Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống làm che, từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ lên đồi hái chè về sao bằng phương pháp thủ công nên cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Sau khi lập gia đình, năm 1980, tôi cũng bắt đầu trồng chè nhưng chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình, mỗi lứa thu hái được khoảng 2kg chè khô.
Năm 2002, khi thấy một số hộ dân ở xóm Chũng Na, xã Bá Xuyên đưa cây chè cành vào trồng và mang lại hiệu quả, tôi đã mạnh dạn phá bỏ một số cây trồng kém hiệu quả (vải thiều, hồng xiêm) và cải tạo đất để chuyển sang trồng thử nghiệm giống chè cành LDP1 với diện tích khoảng 3 sào. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng chè giống mới nên trồng được một thời gian thì búp chè bị lụi dần không rõ nguyên nhân. Chính vì thế, tôi đã đến những nơi bà con trồng nhiều chè như xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Tức Tranh (Phú Lương) để tìm hiểu. Tại đây, tôi được những người trồng chè lâu năm cho biết, do bón phân quá liều lượng khiến cây bị bó rễ không hấp thụ được nước, chất dinh dưỡng nên héo dần đi. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã huy động mọi người trong gia đình đào rãnh sâu giữa hai hàng chè, sau đó dùng phân chuồng được ủ bằng cây xanh bón vào gốc rồi lấp đất lại nhằm giữ ẩm cho cây và kích thích cây phát triển trở lại. Nhờ tích cực chăm sóc, diện tích chè đã dần hồi phục và sau hơn 2 năm đã cho thu hoạch với hơn 10kg búp chè khô. Tôi mạnh dạn mang ra chợ bán thì được khách hàng đánh giá là nước chè xanh, có vị đậm và thơm nên một vài thương lái đã đến tận nhà hỏi mua.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chè cành, bà Quang cho biết: Trồng chè cành không quá khó mà quan trọng là ở khâu chăm sóc. Sau khi trồng được 1 tháng tôi đưa cây phân xanh vào gieo giữa hàng với khoảng cách 1m/hố, khi cây chè phát triển khá, dần ép cây phân xanh xuống để làm phân. Cùng với đó, trồng xen kẽ những cây thân gỗ, tán rộng để làm mát cho chè, giữ ẩm cho đất vào mùa khô, hạn chế xói mòn vào mùa mưa, khống chế cỏ dại. Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi tiến hành làm cỏ cho chè bằng việc cuốc lật đất toàn bộ diện tích; đào rạch giữa hai hàng chè sâu 20-25cm, rộng 25-30cm trước khi đốn chè kết hợp với bón phân hữu cơ khoảng 30-35 tấn/ha. Trước mỗi đợt thu hái, tôi đã dùng bạt che phần diện tích chuẩn bị cho thu hoạch để tránh sương muối, hạn chế sâu bệnh, bụi bẩn, như vậy khi sao chè sẽ mềm, sạch và ngon hơn. Nhờ áp dụng cách trồng, chăm sóc và chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật nên chè của gia đình làm ra đến đâu đều được thương lái đến tận nhà thu mua đến đó.
Từ chỗ chỉ có 3 sào chè, đến nay, gia đình bà Quang đã nhân rộng diện tích lên hơn 1ha với các giống chè: LDP1, Kim Tuyên và TRI 777. Bình quân, mỗi năm cho thu hái 7 lứa, mỗi lứa thu hoạch hơn 120kg chè khô. Với giá bán bình quân từ 180-200 nghìn đồng/kg chè thành phẩm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình càng thêm khấm khá, có điều kiện mua máy đốn chè, tôn quay, máy vò... phục vụ cho việc sản xuất, chế biến chè.
Nhận thấy hiệu quả mà cây chè cành mang lại, bà Quang đã vận động người dân trong xóm đưa vào trồng ở những diện tích đồi bãi, đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, xóm có 105 hộ dân thì có tới 80 hộ tham gia trồng, chế biến chè với diện tích gần 20ha. Bình quân mỗi năm, Khe Lim cung cấp ra thị trường trên 25 tấn chè búp khô, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ trồng chè mà đời sống của người dân trong xóm từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 19% (năm 2011 là trên 30%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, cùng với việc mở rộng diện tích chè cành, người dân trong xóm còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè theo hướng an toàn do thành phố, xã tổ chức nên hiệu quả trồng chè nâng lên rõ rệt.
Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết thêm: Gia đình bà Quang là một trong những hộ dân vươn lên làm giàu nhờ trồng chè. Bà Quang không chỉ là người tiên phong trồng chè cành ở Khe Lim mà còn là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng chế biến chè của xã. Mới đây, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của T.P Sông Công giai đoạn 2016-2020, mô hình chè cành của gia đình bà Nga đã được xã lựa chọn thí điểm làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP.