“Lứa cà chua đầu tiên trong nhà bạt quây lưới mới leo giàn kết trái đã thu hút hàng chục lượt khách đến liên hệ bao tiêu sản phẩm và ký kết sản xuất theo đơn đặt hàng từng thời vụ... Tôi rất mừng, vì thực tế đang mở ra những tiềm năng và triển vọng về nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất cho nhà nông”. Ông Tô Công Minh, chủ mô hình vườn rau an toàn (rau sạch) xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt (Phú Lương) chia sẻ với chúng tôi.
Mặc dù nhà ngay bên mặt đường quốc lộ 3 cùng với dãy phố kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, nội thất, vật tư, cơ khí nông, lâm nghiệp và dịch vụ ăn uống, nhưng gia đình ông Tô Công Minh lại lựa chọn bám đồng ruộng để sống. Ông Minh cho biết: Trước đây, cả xóm làm ruộng, nhưng một số người đã dần bỏ nghề nông và chuyển sang làm dịch vụ kinh doanh tổng hợp vì làm nông nghiệp thu nhập thấp, nên đồng ruộng chủ yếu cho thuê để cải tạo và giữ đất. Gia đình tôi đã thuê lại gần 1ha đất để cấy lúa, trồng rau. Thực tế nếu chịu khó, làm rau thu nhập cao hơn cấy lúa. Một sào đất ruộng trồng rau trong một năm có thể thu được từ 20-30 triệu đồng, còn cấy lúa thì chỉ để ra được 2-3 triệu đồng/năm.
Vì thế, mùa nào rau đó, gia đình ông Minh hết trồng khoai, ngô nếp rồi trồng bí lấy ngọn, lấy quả và rau lấy lá... qua gần 6 năm, gia đình ông Minh và một số hộ trong xóm đã trở thành một địa chỉ vùng rau cung ứng cho thị trường phía Bắc huyện Phú Lương và các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Năm 2015, gia đình ông Minh đã đạt hiệu suất thu nhập gần 70 triệu đồng/ha đất nông nghiệp và dự tính năm 2016 sẽ có thể đạt hiệu suất thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha, khi đưa thêm vào trồng hoa Lyly phục vụ dịp Tết.
Tháng 8-2016, sau khi được tập huấn về chương trình sản xuất rau sạch, cũng như tiếp nhận các thông tin về nhu cầu rau sạch trên thị trường, ông Minh đã mạnh dạn đề xuất với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện làm thí điểm ô mẫu nhà phủ bạt, quây lưới với quy mô trên 600m2, để làm tiền đề dự định cho vùng rau sạch ngay tại cánh đồng Đuổm. Sau khi được các chuyên gia khảo sát và tập huấn kỹ, gia đình đã được huyện phối hợp triển khai đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng nhà bạt chống úng, chống sương muối, kết hợp kéo điện thắp sáng phục vụ khép kín quy trình chăm sóc cây. Sau gần 1 tháng, lứa cà chua đầu tiên bắt đầu leo giàn, vượt trội tốc độ phát triển so với quy trình trồng truyền thống từ 10-15 ngày, cây to, khỏe, nhiều nhánh, kết trái đều…
Ông Minh chia sẻ: “Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nhà phân phối rau sạch, chủ các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn T.P Thái Nguyên, thậm chí cả đơn vị chuyên kinh doanh rau sạch tại các siêu thị ở Hà Nội đến đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, gia đình mới làm thử nghiệm, nên chưa dám ký kết. Vì ký kết thì đồng nghĩa với việc cần đầu tư mở rộng, quy trình sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe của nhà thầu (mẫu mã, khối lượng, thời gian, bao bì…). Khó nhất là mở rộng quy mô sản xuất, vì liên quan đến đất đai, sự hợp tác giữa các hộ dân và tính đồng thuận. Song trước hết, muốn sản xuất ra an toàn theo hướng hàng hóa thành vùng thì người trồng rau phải thay đổi quy trình, tập quán sản xuất cũ, thay vào đó là phải tính chuyện làm rau sạch là cho chính bản thân mình ăn, rồi sau đó mới đưa ra thị trường”.
Có thể thấy, mô hình trồng rau sạch tại Đồng Niêng của ông Tô Công Minh hiện tại chỉ là nhà vườn gia đình, nhưng để nhân rộng và tạo vùng hàng hóa, thu nhập ổn định cho người làm ruộng nơi đây, rất cần có sự tác động nhiều hơn nữa bằng các chính sách khuyến nông, chính sách dồn điền đổi thửa và xây dựng mô hình hợp tác chuyên sâu trong quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, người làm rau sạch và vùng rau sạch cũng cần có sự chia sẻ và đầu tư chiều sâu từ phía các doanh nghiệp, nhà phân phối bao tiêu sản phẩm.