Chúng ta đều biết, bản chất của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chính là phản ánh chất lượng điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Vì vậy, đối tượng điều tra để đánh giá chỉ số PCI chủ yếu là các DNNVV. Kết quả xếp hạng chỉ số PCI mà tỉnh Thái Nguyên đạt được năm qua (đứng vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố) đã phản ánh đúng thực chất sự quan tâm của chính quyền đối với khu vực DN này.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 DN, trong đó trên 90% là DNNVV. Các DN này chịu sự tác động trực tiếp và mạnh nhất từ những cơ chế, chính sách do chính quyền ban hành và điều chỉnh. Vì vậy, chỉ với một thay đổi nhỏ của chính sách hay cơ chế điều hành cũng làm các DNNVV thay đổi theo với các trạng thái tương ứng. Thời gian qua, các DNNVV của tỉnh đã được quan tâm, có thêm nhiều điều kiện, cơ hội phát triển. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hội DNNVV tỉnh đã khẳng định: Những năm gần đây, các DNNVV trên địa bàn đánh giá cao sự năng động của các cấp chính quyền. Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh nên môi trường đầu tư, kinh doanh đã trở nên thông thoáng hơn, các thủ tục hành chính đỡ rườm rà, nhiêu khê… Theo chúng tôi được biết, tỉnh đã tích cực nghiên cứu, rà soát và bãi bỏ nhiều thủ tục, quy định không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay, đồng thời cắt giảm tới 40% các thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục được rút ngắn gần một nửa thời gian giải quyết so với trước.
Chính nhờ những cơ chế, chính sách thông thoáng, nhiều DNNVV của tỉnh đã có bước bứt phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Là một DN sản xuất giấy xuất khẩu trên địa bàn từ khá lâu, trải qua nhiều khó khăn có lúc tưởng chừng phải phá sản, song Công ty cổ phần (CP) Giấy xuất khẩu Thái Nguyên vẫn đứng vững. Công ty chuyên sản xuất giấy vàng mã, 100% sản phẩm xuất khẩu sang Đài Loan. Một thời gian dài Công ty đứng trước những khó khăn về giá các mặt hàng vật tư nguyên liệu không ổn định, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, thị trường bó hẹp... Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Công ty nhanh chóng khắc phục ô nhiễm, tập trung sản xuất kinh doanh. Công ty đã được tiếp nhận hỗ trợ để đầu tư cải tiến máy móc từ Chương trình sản xuất sạch hơn do Sở Công Thương phối hợp triển khai. Sau khi đầu tư giảm thiểu ô nhiễm, Công ty đã có những bước phát triển vượt bậc. Công suất của Nhà máy được nâng từ 2.500 tấn/năm lên 6.500 tấn/năm, đồng thời tận dụng tối đa nguyên liệu, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, đến nay Công ty sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường xuất khẩu.
Đại diện các hiệp hội và tổ chức hội DN trên địa bàn tỉnh đều có chung quan điểm: Từ khi xuất hiện chỉ số PCI với 10 chỉ số thành phần tiêu biểu, môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng hơn. Thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký DN đã rút ngắn ở mức kỷ lục. Hiện tại, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một DN trung bình chỉ mất 6 đến 7 ngày để có Giấy chứng nhận đăng ký DN, thay vì 10 đến 12 ngày như trước đây. Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký DN cũng giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Các tài liệu, thông tin kế hoạch liên quan đến DN như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng… đều được minh bạch hóa thông qua các website, cổng thông tin điện tử của các cấp chính quyền. Thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá là đơn giản hơn, DN không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký, cán bộ thân thiện, nhiệt tình hơn. Đặc biệt, các DNNVV tỉnh cũng ghi nhận nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế với thời gian thanh tra thuế đã giảm từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, lãnh đạo các cấp của tỉnh đã luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của DN, nên đã tạo được sự đồng thuận và hỗ trợ rất lớn cho DN. Trước thực tế các DNNVV gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã thành lập ngay Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ vốn cho DN hoạt động…
Giống như nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công ty CP Đá ốp lát và Vật liệu xây dựng Thái Nguyên cũng gặp không ít trở ngại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo lãnh đạo Công ty thì sức nặng cạnh tranh trên thị trường về đá ốp lát là rất lớn, nhưng không vì thế mà đơn vị chịu thua cuộc. Chính sự quan tâm tạo điều kiện về vốn vay, sự thông thoáng trong chính sách thị trường và sự thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính đã giúp Công ty vượt qua khó khăn. Các sản phẩm của đơn vị thường tiêu thụ mạnh ở thị trường trong tỉnh nên cơ chế, chính sách ở địa phương đã tác động rất lớn đến DN. Hiện nay, doanh thu hàng năm của đơn vị đều tăng trưởng từ 5% đến 10% so với năm trước, mức thu nhập bình quân người lao động đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với một số DN hoạt động cùng lĩnh vực.
Theo báo cáo của Hội DNNVV tỉnh, cùng với các DN khác, trên 230 DN thành viên của Hội đã có bước phát triển khá tốt. Mỗi năm, doanh thu của các DN trong Hội đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 260 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 3.500 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Được biết, hầu hết các DNNVV của tỉnh đều xuất thân từ mô hình hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ nên có những thiệt thòi và khó khăn nhất định. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực bản thân, DN còn trông cậy rất nhiều vào cơ chế, chính sách, sự quan tâm của chính quyền các cấp, trong đó có sự tác động rất lớn từ hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.