Với tổng diện tích trồng rau hơn hơn 120ha, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) được coi như “vựa rau” không chỉ cũng cấp cho người dân địa phương mà cả các xã lân cận. Để rau Hùng Sơn trở thành thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp người trồng rau tăng thu nhập trên cùng một diên tích đất canh tác, cấp ủy, chính quyền nơi đây đang định hướng và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Từ mong muốn của những người nội trợ
Chúng tôi dạo qua một số chợ Đại Từ để có thể trò chuyện với người nội trợ. Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì dù là phụ nữ hay nam giới, người già hay trẻ em... đều bày tỏ những băn khoăn, lo ngại mỗi lần đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa, xóm 1, thị trấn Hùng Sơn bày tỏ: “May mắn gia đình tôi có mảnh vườn sau nhà, tôi trồng đủ các loại rau theo mùa nên không phải mua rau ngoài chợ. Còn các loại thực phẩm khác thì phải mua ở chợ, vừa ăn vừa lo. Tôi chỉ mong địa phương có một cửa hàng bán thực phẩm sạch, giá có thể đắt hơn một chút nhưng mà yên tâm.” Còn em Trần Quỳnh Anh, ở xóm Tiên Trường, xã Tiên Hội lo ngại: “Chưa bao giờ đi chợ mà em phải mất nhiều thời gian suy nghĩ về thực đơn cho bữa ăn như hiện nay. Mua cái gì cũng có cảm giác không an toàn cho sức khỏe. Hôm nay, ông xã em bảo thích ăn mướp đắng, nhưng em nghe nói loại mướp này phun thuốc ghê lắm nên đang cân nhắc mua hay không? Giá như có cửa hàng bán các loại rau sạch thì tốt biết mấy”.
Chúng tôi mang câu chuyện chia sẻ với ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn và được ông cho biết: Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc canh tác rau, chúng tôi đã nghĩ tới vấn đề sản xuất rau an toàn từ lâu. Năm 2010, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) đã thành lập được Tổ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó xây dựng một cửa hàng bán rau an toàn ở chợ Đại Từ. Nhưng mô hình này đã không duy trì được lâu bởi nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giá rau an toàn thường cao hơn với rau sản xuất truyền thống (do chi phí lớn hơn), mẫu mã không đẹp; người tiêu dùng vẫn hoài nghi, chưa thật sự tin tưởng...
Vậy làm thế nào để hóa giải vấn đề này? Đó là bài toán đang được cấp ủy, chính quyền thị trấn Hùng Sơn tiếp tục tìm giải pháp.
Đến việc xây dựng vùng sản xuất rau an toàn bền vững
Để sản xuất rau an toàn bền vững, tháng 5 năm 2016, thị trấn Hùng Sơn chính thức ban hành Đề án Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn. Theo đó, Thị trấn có kế hoạch xây dựng 3 gian hàng bán rau an toàn tại chợ Đại Từ. Mỗi năm mở 5 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn cho bà con các xóm 5, 6, 18. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất rau an toàn, như: Xây dựng 3 bể lắng chắn rác; 3 bể sơ chế rau an toàn tập trung; xây dựng 15 bể đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật; 20 bể ngâm ủ phân vi sinh; xây dựng 240m mương tiêu nước và 500m đường bê tông trong vùng sản xuất rau an toàn tập trung... Diện tích quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung là 45ha.
“Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở 3 xóm (Xuân Đài, Đồng Cả, Cầu Thành) với diện tích gần 8ha. Hiện nay, chúng tôi đã cung cấp rau an toàn cho một số cửa hàng ở thành phố Thái Nguyên, tuy sản lượng chưa đáng kể, nhưng bước đầu thực hiện mô hình cho thấy, việc sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP đang nhận được sự đồng tình của người dân, các cấp, ngành chức năng cũng như một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, trong đó tích cực nhất phải kể đến Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao mining). Hiện nay, hiệu quả sản xuất rau của nông dân đã được cải thiện với giá trị thu được bình quân đạt 200-250 triệu đồng/ha/năm. Mạng lưới tiêu thụ rau an toàn đã bước đầu hình thành và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.” - Ông Đặng Đình Lực chia sẻ.
Sự vào cuộc tích cực
Thị trấn Hùng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn do Bí thư Đảng ủy thị trấn làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND thị trấn làm Phó Ban Thường trực; thành viên gồm lãnh đạo các ngành (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Khuyến nông, Trung tâm Thông tin Nông thôn thị trấn...) Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án Phát triển sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn cũng được hành lập do Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách nông nghiệp làm Trưởng Ban. Mỗi thành viên đều có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Thị trấn đang hoàn thiện thủ tục thành lập Hợp tác xã Rau an toàn với 11 thành viên, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm rau an toàn.
“Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người nông dân thị trấn Hùng Sơn, địa phương cũng mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các doanh nghiệp để góp phần vào sự thành công của Dự án. Đơn cử, thời gian qua, NuiPhao Mining đã quan tâm, hỗ trợ rất tích cực cho địa phương, như: Tổ chức cho gần 50 hộ dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hợp tác xã Rau an toàn Vân Nội (Đông Anh - Hà Nội); thuê chuyên gia tư vấn, đào tạp, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn; tập huấn kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép; hướng dẫn cách thức về ủ phân chuồng để bón lót… Những việc làm này của Công ty rất thiết thực và ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, NuiPhao Mining sẽ là một trong những khách hàng thân thiết chuyên thu mua rau an toàn của nông dân Hùng Sơn.”- Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn bày tỏ.
Hành trình đi đến bất kỳ một sự thành công nào đều không dễ dàng, nhưng chúng ta cùng hy vọng khi có sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp - Thị trấn Hùng Sơn sẽ trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.