Ô nhiễm môi trường (ONMT) luôn là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm và thực sự lo ngại. Gần đây, vụ việc Fomosa xả thải đầu độc biển miền Trung là một bài học đắt giá. Với Thái Nguyên, nơi từng là cái nôi của ngành công nghiệp nặng cả nước, đang sở hữu các khu vực công nghiệp ít thân thiện với môi trường như khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng…, thì bài toán bảo vệ môi trường đặt ra lại càng nặng nề.
Chủ nguồn thải gây ô nhiễm - là ai?
Hiện nay, không khó để có thể chỉ mặt, vạch tên các chủ nguồn thải thiếu trách nhiệm, gây ONMT trên địa bàn tỉnh. Sự gia tăng các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm đang thực sự đáng báo động, tạo bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là không chỉ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà ngay cả các doanh nghiệp (DN) tên tuổi, DN trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ( (KCN, CCN) được quản lý chặt chẽ cũng xả thải gây ô nhiễm.
Xả thải trộm ngay trong KCN
Thời gian gần đây, các hộ dân sống quanh khu vực nhà máy của Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng, thuộc KCN Sông Công I (T.P Sông Công) thường xuyên phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, việc xả khí thải chưa qua xử lý của DN này diễn ra từ lâu, chủ yếu vào ban đêm, nhiều nhất là từ đầu năm 2016 đến nay. Khí bụi thải ra môi trường của Nhà máy có màu nâu, mùi khét kèm theo rất nhiều bụi bẩn gây khó thở, nhức đầu và buồn nôn. Khi trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hạng Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Toàn Thắng lấp liếm: “DN hoạt động trong lĩnh vực luyện kim nên khó tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc”. Được biết, ngày 13-9 vừa qua, Đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra đột xuất tại Công ty này và đã lập biên bản yêu cầu Công ty chấm dứt ngay hoạt động xả thải gây ONMT.
Cũng nằm trong KCN Sông Công I, nhưng điều ngạc nhiên là dù giữ trọng trách xử lý nước thải cho cả KCN, Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN lại đang gây ONMT. Mới đây, ngày 17-10, sau khi kiểm tra đột xuất theo phản ánh của người dân, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện tại Công ty này có hố chứa bùn, chất thải dạng sệt, có chỗ màu vàng, chỗ màu đen, xuất hiện nhiều giòi, bọ và bốc ra mùi hôi thối. Khi được hỏi, đơn vị này cho biết bùn thải được gom từ trạm bơm trung chuyển xử lý nước thải. Theo chức năng, Công ty này chỉ xử lý nước thải và không có khả năng xử lý bùn thải nguy hại. Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh, ông Trần Văn Long cho biết, từ lâu tại Trạm xử lý nước thải của đơn vị này đã phát tán mùi hôi thối ra môi trường, gây ảnh hưởng đến không khí xung quanh. Ban đã phối hợp với các đơn vị chức năng lập biên bản nhắc nhở nhưng DN vẫn không chấp hành. Mới đây nhất (ngày 4-11), Công ty này đã bị lực lượng chức năng của tỉnh bắt quả tang khi đang cho một đơn vị ở Hà Nội dùng xe bồn xả trộm nước thải nguy hại vào bể thu gom nước thải tại KCN Sông Công I.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp đang sản xuất tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh gây hại đến môi trường. Riêng T.P Sông Công, theo thông tin từ ông Nguyễn Thế Anh, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thành phố thì trên địa bàn hiện có gần 300 cơ sở, DN hoạt động trong các KCN, CCN. Tuy nhiên, chỉ có KCN Sông Công 1 là có nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn lại 3 CCN khác đều thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua nhà máy xử lý. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Cường, cán bộ Phòng TN-MT T.X Phổ Yên thì KCN Trung Thành vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung. Các DN khi đầu tư vào đây phải tự áp dụng công nghệ xử lý chất thải của đơn vị mình hoặc xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Nhiều DN gây ô nhiễm
Công ty CP Kim Sơn là đơn vị có tiếng trong ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh với nhiều dự án khai thác quặng sắt, titan, chì, kẽm. Gần đây, DN này tập trung triển khai Dự án khai thác Mỏ thiếc bismut Tây Núi Pháo với diện tích khoảng 30ha trên địa bàn xóm 2, xã Hà Thượng và xóm Táo, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Tháng 6 vừa qua, nhiều người dân địa phương đã chặn đường, ngăn cản DN khai thác và sàng tuyển quặng bởi những lo ngại về vấn đề ONMT. Ông Nguyễn Văn Tuyết, Bí thư Chi bộ xóm 2 cho biết: Công ty đặt nhà máy tuyển quặng, đang thi công bãi chứa thải rắn và hồ chứa nước thải ở khu vực trên cao khiến người dân lo ngại những hoá chất độc hại sẽ ngấm vào nguồn nước sinh hoạt. Từ lo ngại này, hầu hết người dân xóm 2 phải mua nước lọc đóng bình về uống và nấu ăn, nước giếng chỉ để giặt và phục vụ chăn nuôi. Ông Lê Tiến Đạt, cùng ở xóm 2 đề nghị: Phía Công ty nên sớm hỗ trợ cho người dân trong khu vực ảnh hưởng có nguồn nước sạch, đồng thời hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn trong quá trình khai thác.
Tại CCN An Khánh, xã An Khánh (Đại Từ) hiện có hai dự án đầu tư quy mô lớn đã đi vào vận hành gồm Nhà máy Nhiệt điện An Khánh và Nhà máy xi măng Quan Triều. Đầu tháng 5-2016, trên cở sở những phản ánh của người dân, Đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra tại các xóm Tân Tiến, Tràm Hồng và Cửa Nghè của xã An Khánh. Theo đánh giá, mức độ tiếng ồn vào ban đêm tại một số địa điểm đã vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể, mẫu đo tại xóm Cửa Nghè vượt quy chuẩn 3,64%, tại xóm Tân Tiến vượt quy chuẩn 0,18%. Đoàn kiểm tra liên ngành xác định, tiếng ồn tại các khu dân cư nêu trên là do hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh và Nhà máy Xi măng Quan Triều tác động. Ngoài ra còn phát hiện khí bụi tro thải, hệ thống thoát nước ứ đọng lâu ngày. Hiện nay, các đơn vị này đang khắc phục, dần đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Trong báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Bộ TN-MT gần đây đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác đảm bảo môi trường của Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ. Theo báo cáo thì hoạt động của Núi Pháo thời gian qua đã gây ONMT do bụi, tiếng ồn, mùi hóa chất của nhà máy tuyển khoáng; nứt nhà cửa do nổ mìn; mất nước canh tác, úng ngập ruộng vườn do ngấm nước ngầm, ảnh hưởng đến khoảng 350 hộ dân các khu dân cư 3, 4, 6, 7, 8, 9 của xã Hà Thượng, xóm 13, 14 xã Tân Linh, xóm 1, 2 xã Hùng Sơn. Kết quả quan trắc của Sở TN-MT định kỳ cho thấy trong nước thải từ Dự án Núi Pháo ra môi trường đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất với hàm lượng vượt giới hạn cho phép. Hiện nay, để có kết quả chính xác nhất về vấn đề môi trường ở Núi Pháo, Bộ TN-MT đang tiến hành thanh tra đối với Dự án này.
Tác động xấu đến môi trường tự nhiên
Theo kết quả thanh, kiểm tra của Sở TN-MT từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có gần 50 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, trong đó có 15 cơ sở ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù 100% các cơ sở này đã lên kế hoạch hoàn thành công tác xử lý MT nhưng hiện nay mới chỉ có 6 cơ sở được cấp xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm theo quy định. Như vậy, còn khá nhiều cơ sở đã và đang tác động xấu tới môi trường tự nhiên. Đấy là chưa kể các cơ sở xả thải trộm hoặc chưa bị phát hiện.
Tại T.X Phổ Yên, nơi đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp mạnh mẽ nhất, theo thống kê từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của địa phương đã lập biên bản và xử phạt trên 20 vụ vi phạm về môi trường. Trong đó, chủ yếu là tình trạng đổ chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng nơi quy định trong quá trình thi công các dự án và vận hành sản xuất, không thực hiện đúng theo hồ sơ về môi trường. Cùng thời gian trên, chính quyền thị xã cũng xử phạt 23 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Báo cáo của các cơ quan chuyên môn cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó, ngành luyện kim, cơ khí trung bình mỗi năm xả ra môi trường khoảng 6 triệu m3nước thải có chứa dầu mỡ, kim loại nặng; ngành khai khoáng có lưu lượng nước thải phát sinh trên 12 triệu m3/năm, thành phần ô nhiễm chính là chất rắn lơ lửng, độ màu, kim loại nặng. Đặc biệt, nước thải ở các mỏ kim loại màu, hàm lượng chì, kẽm, asen, khoáng chất calmine vượt từ 3,5 đến 20 lần. Bên cạnh đó, ngành sản xuất giấy, nông lâm hàng năm phát sinh khoảng 700.000m3 nước thải; ngành chế biến thực phẩm phát sinh khoảng 200.000m3/năm; ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát sinh gần 500.000m3/năm, thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, làm đục nguồn nước mặt và có mùi hôi.
(Còn nữa)