Sau sự việc Fomosa, cả nước có cái nhìn trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ môi trường. Trên nhiều diễn đàn sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp “Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”.
Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt
Thái Nguyên đang trên đà thu hút đầu tư mạnh mẽ vì mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nên rất cần thấm nhuần quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá” để có những đối pháp hợp lý, chặt chẽ trong bảo vệ môi trường tự nhiên.
Kiểm soát chặt ngay từ khi cấp phép
Thực tế trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có dây chuyền thiết bị công nghệ lạc hậu, sử dụng quá đát, để lại những hậu cho môi trường. Chẳng nói đâu xa, toàn bộ giai đoạn I của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang hoạt động với công nghệ của Trung Quốc từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, dù đã cải tạo nhiều lần song đây vẫn là dây chuyền lạc hậu, tác động xấu đến môi trường. Những dạng công nghệ luyện kim kiểu này hiện không được phép đầu tư mới để tránh sự cố môi trường.
Chính công nghệ sản xuất thép lạc hậu của Công ty CP Thép Toàn Thắng đã buộc DN này phải trả giá ngay khi đưa vào hoạt động. DN phải liên tục dừng vì sự cố môi trường, chịu sức ép từ người dân, chính quyền khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ. Dư luận nhân dân cho rằng, nếu ngay từ khi thẩm định, phê duyệt, dự án này bị loại thì không chỉ môi trường địa phương được trong sạch mà ngay cả DN đầu tư cũng không bị thiệt hại về kinh tế.
Cách đây mấy năm, chúng tôi được chứng kiến người dân xã Điềm Thụy (Phú Bình) ngày ngày cắt cử người ngăn cản Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc xây dựng Nhà máy Kẽm điện phân tại KCN Điềm Thụy. Tại sao lại có việc đó? Thực tế thì người dân lo sợ mình sẽ giống bà con ở phường Bách Quang (T.P Sông Công) nhiều năm liền khốn đốn vì sống gần Nhà máy Kẽm điện phân Sông Công. Bà con cho rằng, dây chuyền công nghệ của Nhà máy kẽm ở Phú Bình không khác Sông Công và đây là mô hình sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nên nhất quyết không cho xây dựng nhà máy ở gần khu dân cư. Tuy nhiên, dự án này sau đó vẫn được triển khai và giờ phải trả giá khi gần như đóng cửa vì gặp khó khăn về sản xuất và sự cố môi trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm chúng ta có tới cả trăm dự án phải thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là một thủ tục quan trọng góp phần kiểm soát ngay từ đầu những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, trong giải pháp bảo vệ môi trường dài hạn của Sở TN-MT có đề ra nhiệm vụ: Cần kiểm soát chặt các khâu thẩm định, phê duyệt ĐTM. Cụ thể, tăng cường kiểm tra năng lực đơn vị tư vấn, soát xét chặt các thành phần nội dung hồ sơ, đặc biệt quan tâm đến tính phù hợp, khả thi, hiệu quả của các công trình, các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, ĐTM là bước đánh giá vô cùng quan trọng cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, cần thiết phải nâng cao nhận thức của các chủ dự án, không nên coi ĐTM là thủ tục đơn thuần mà phải tuân thủ chặt chẽ các cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình thực thi dự án. Bởi thực tế nhiều dự án có đầy đủ ĐTM nhưng khi hoạt động vẫn vi phạm về môi trường. Đối với những trường hợp này, giải pháp hiệu quả nhất chính là xử lý thật nghiêm.
Không nương nhẹ trường hợp cố tình
Thời gian qua, thực tế chứng minh dự án nào bị xử lý thật nghiêm thì các chủ nguồn thải mới không tái phạm. Ngược lại chỉ xử lý qua loa, phạt hành chính với mức nhẹ đều không mang lại hiệu quả. Trường hợp của Công ty CP Thép Toàn Thắng chỉ bị xử phạt 15 triệu đồng nên sau khi nộp phạt đã tái phạm ngay. Hay trường hợp của DN Anh Thắng sàng tuyển quặng sắt làm ô nhiễm dòng suối tại xã Cây Thị (Đồng Hỷ) do chỉ bị nhắc nhở nên không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt, dù xử phạt tới cả trăm triệu đồng và yêu cầu tạm dừng hoạt động mà vẫn không ngăn được hành vi gây ONMT của DN. Cuối cùng phải ra quyết định đóng cửa Nhà máy mới giải quyết dứt điểm ô nhiễm. Đó là trường hợp của Công ty CP Sơn Lâm hai năm trước.
Do đó, xử lý kiên quyết và không nương nhẹ là điều rất cần thiết, nhất là đối với những trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Còn nhớ trường hợp của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ và Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên mấy năm trước. Sau khi Cảnh sát môi trường phát hiện có hiện tượng xả thải trộm ra sông gây ô nhiễm, đã xử phạt rất nặng và đề nghị sẽ dừng toàn bộ hoạt động của hai nhà máy. Để tồn tại, hai đơn vị này đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới, đảm bảo hơn. Và đến nay, cả hai DN đã không còn là điểm nóng về ONMT trên địa bàn.
Hay như trường hợp của Nhà máy Luyện gang Hoa Trung tại CCN Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Đây là trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài mà không được giải quyết gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Năm 2013, Sở TN - MT đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và kiến nghị UBND tỉnh xử phạt DN này 70 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Công ty phải lắp đặt đầy đủ các công trình xử lý chất thải. Sau đó, do không đáp ứng được yêu cầu nên Nhà máy đã đóng cửa dừng mọi hoạt động, chấm dứt ô nhiễm.
Bài học luôn luôn mới
Có thể nói chưa bao giờ vấn đề bảo vệ môi trường lại được quan tâm như hiện nay. Thời gian qua các trường hợp vi phạm về môi trường đặc biệt nghiêm trọng đã được xem là tội phạm môi trường. Tuy nhiên, bài học về môi trường lúc nào cũng mới. Chúng ta còn nhớ sự việc Công ty Vedan xả thải đầu độc dòng sông Thị Vải ở Đồng Nai và bị Cảnh sát môi trường phát hiện, xử phạt gần 300 triệu đồng, bị truy thu 111 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, cách đây gần chục năm. Ở thời điểm đó, mọi người cho rằng đây là sự việc ONMT nghiêm trọng nhất, làm rúng động dư luận. Những tưởng sẽ không còn sự cố môi trường nào tương tự, nhưng sự việc Fomosa gây thảm họa môi trường gần đây một lần nữa cho thấy bài học về môi trường không bao giờ cũ.
Với Thái Nguyên cũng vậy, những bài học về môi trường vẫn luôn hiện hữu. Những sự cố về môi trường đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy chưa quá lớn nhưng với tần suất nhiều và có những ảnh hưởng không nhỏ. Mặt khác, chúng ta đang có những cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cũng được xem là nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi đây là dự án khai thác mỏ đa kim, khi chế biến phải dùng rất nhiều loại hóa chất độc hại để phân tách kim loại. Và nếu để rò rỉ nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì thực sự là thảm họa bởi khu vực Núi Pháo nằm gần Sông Công với lưu vực rộng, cấp nước cho cả hồ Núi Cốc và các vùng hạ du lân cận.
Khu CN Yên Bình, nơi có nhà đầu tư Samsung và các dự án phụ trợ đứng chân cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ ONMT cần được đặc biệt quan tâm. Samsung có một lượng chất thải rắn, bùn thải công nghiệp rất lớn với hàng chục nghìn mét khối thải ra mỗi tháng. Samsung đã ký hợp đồng xử lý môi trường với 11 DN nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ so với công suất xả thải. Cho nên, đã có thời điểm DN xử lý môi trường cho Samsung đổ trộm bùn thải nguy hại ra môi trường tự nhiên. Nếu không quản lý chặt thì đây cũng được xem là vùng rốn ô nhiễm môi trường của tỉnh.
Mới đây Bộ TN-MT đã công bố Danh mục các Dự án, nhà máy có nguy cơ gây ONMT hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cả nước. Điều đáng chú ý là trong 7 đơn vị, DN nằm trong danh sách này có tên Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Công ty có nhiều đơn vị thành viên và sở hữu nhiều mỏ khai thác khoáng sản. Thời gian qua, hoạt động khai thác và luyện kim của đơn vị dù đã được quan tâm song vẫn còn một số tồn tại về môi trường.
Là tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước, Thái Nguyên đã và đang tạo dấu ấn quan trọng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Mục tiêu lớn đặt ra của chúng ta là sớm phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để có bước phát triển nhanh nhưng bền vững rất cần coi trọng yếu tố bảo vệ môi trường, trong đó ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cần phải có những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại chuyển biến tích cực.
Kết thúc loạt bài viết này, xin được mượn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp toàn quốc về bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình do đó cần phải có những giải pháp ngay lập tức chứ không phải trung, dài hạn. Tuyệt đối không cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Tôi hoan nghênh một số địa phương đã mạnh dạn từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào đầu tư.