Thu ngân sách năm 2017: Hiện hữu những khó khăn

09:58, 09/11/2016

Dự toán được giao năm nay là 4.900 tỷ đồng nhưng chỉ đến hết tháng 10, ngành Thuế tỉnh đã thu được 5.638 tỷ đồng; dự ước số thu cả năm nay sẽ đạt 6.600 tỷ đồng, vượt 35% dự toán. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành Thuế có số vượt thu cao so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo nhận định chuyên môn, công tác thu ngân sách trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để hoàn thành số thu được giao là 6.750 tỷ đồng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành Thuế nói riêng.

Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, năm 2016 là năm thứ 2 liên tiếp ngành Thuế tỉnh vượt dự toán thu ngân sách ở mức cao. Hầu hết các khoản thu đến nay đều bảo đảm tiến độ thu bình quân trong năm và theo dự ước chỉ có 1/13 khoản thu (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) là không hoàn thành kế hoạch (được 14/17 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số thu 1.700 tỷ đồng dự ước vượt kế hoạch năm thì chỉ tập trung ở 4 nguồn thu, nhưng cả 4 nguồn này đều không mang tính bền vững và dự báo sẽ không thu được nhiều trong thời gian tới. Chính vì thế, với chỉ tiêu kế hoạch mà Bộ Tài chính giao cho năm 2017 là thu 6.600 tỷ đồng (trong đó có 650 tỷ đồng tiền đất), tỉnh giao thêm 150 tỷ đồng, được xem là bài toán không dễ giải đối với ngành Thuế tỉnh.

 

Cũng theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, chưa khi nào nhiệm vụ ngành Thuế được giao lại nhiều áp lực như năm 2017. Bởi đây chính là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách cho cả giai đoạn 2017-2020. Cùng với đó, theo định hướng của Chính phủ và đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thì mức tăng thu ngân sách hàng năm của tỉnh phấn đấu đạt từ 16%/năm trở lên (không tính nguồn thu cấp quyền sử dụng đất).

 

Trở lại với kết quả thu ngân sách 10 tháng qua của ngành Thuế tỉnh, có 4 nguồn thu góp phần tạo nên số thu vượt cao, gồm: thu từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền cấp quyền sử dụng đất và thu tiền cho thuê đất. Thực tế chứng minh, 4 nguồn thu này luôn có mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại lẫn nhau. Đầu tiên là thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi dự toán giao cả năm là 950 tỷ đồng thì đến nay đã thu được 1.483 tỷ đồng, dự ước cả năm đạt 1.750 tỷ đồng (vượt kế hoạch 800 tỷ đồng). Sở dĩ có được số thu này là do Dự án Samsung Thái Nguyên đã đẩy mạnh kế hoạch giải ngân nguồn vốn 5 tỷ USD trong năm 2016, thay vì thực hiện trong 4 năm theo dự kiến. Tính đến cuối năm nay, Samsung giải ngân được 4,8 tỷ USD, số còn lại sẽ được thực hiện đến năm 2019. Trong số này lại có một tỷ lệ đầu tư theo quy định không phải chịu thuế. Trong khi đó, số thu từ nguồn này trong năm 2016 lại chiếm phần lớn từ Samsung và các công ty phụ trợ.

 

Đi đôi với việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn dự án Samsung là một lượng lớn chuyên gia người nước ngoài đến làm việc tại Thái Nguyên. Nhờ đó, nguồn thuế thu nhập cá nhân cũng được tăng cao đáng kể. Trong khi kế hoạch thu cả năm từ nguồn này là 352 tỷ đồng thì 10 tháng qua đã thu được 565 tỷ đồng (dự ước thu cả năm là 650 tỷ đồng), trong số này có khoảng 100 tỷ đồng từ các chuyên gia làm việc tại các dự án của Samsung. Đến nay, cơ bản các dự án đã đi vào sản xuất nên các chuyên gia không còn ở lại Việt Nam. Do đó, sẽ không phát sinh số thu này trong năm 2017.

 

Cùng với việc triển khai nhiều dự án, số tiền thu từ cấp quyền sử dụng đất và cho thuê đất cũng tăng đột biến. Cụ thể, đối với nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, kế hoạch giao là 400 tỷ đồng, hiện đã thu được 710 tỷ (dự ước cả năm thu được 800 tỷ đồng); thu tiền cho thuê đất dự toán giao 130 tỷ đồng, đã thu 132 tỷ (dự ước cả năm 203 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính riêng số vượt thu của 4 nguồn kể trên theo dự ước cả năm đã là 1.573 tỷ đồng. Số vượt thu dự ước còn lại nằm ở một số nguồn thu: Lệ phí trước bạ (59 tỷ); thuế bảo vệ môi trường (khoảng 40 tỷ); phí, lệ phí (khoảng 8 tỷ)… Điều đáng nói thêm là ở 2 nguồn thu mang tính bền vững là thu từ DN Nhà nước Trung ương, địa phương và từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh thì từ nhiều năm trở lại đây, mặc dù số thu được giao không tăng nhưng năm nay dự ước cũng chỉ có khả năng hoàn thành kế hoạch hoặc có vượt cũng không đáng kể. Điều này phần nào cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN nội vẫn còn gặp không ít khó khăn và vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

 

Đứng trước thực tế này, làm thế nào để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2017 là một thách thức không nhỏ đối với ngành Thuế cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, nhiều giải pháp đã được Cục Thuế tỉnh đưa ra, đó là: Luôn bám sát sự chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiếp tục tham mưu có hiệu quả với tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính thuế để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nắm bắt kế hoạch triển khai các dự án mới, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án trong Khu công nghiệp để có biện pháp quản lý thuế kịp thời; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại để phổ biến chính sách thuế và động viên DN nghiêm túc chấp hành các quy định của Pháp luật Thuế; tăng cường công tác thanh, kiểm tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nhằm ngăn chặn, đầy lùi tình trạng trốn thuế, gian lận thuế; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác quản lý thuế, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đất đai. Cùng với đó sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức ngành Thuế…

 

Hy vọng, với những giải pháp chủ yếu nêu trên sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, để công tác thu ngân sách của tỉnh tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch mà ngành Thuế Thái Nguyên được giao trong năm 2017.