Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

08:25, 20/12/2016

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết cuối năm 2016 đầu năm 2017 diễn biến phức tạp, sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản, bảo đảm đủ nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, ngành Nông nghiệp - PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các nguồn lợi thủy sản.

Không giống như gia súc, gia cầm, thủy sản là động vật biến nhiệt, phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ môi trường sinh sống. Nhiệt độ thay đổi sẽ làm biến đổi tốc độ trao đổi chất, rối loạn hô hấp, mất cân bằng PH máu, tổn thương bóng hơi của cá. Đặc biệt, có một số loài cá chịu rét kém như: rô phi, chim trắng, trôi, vược… có thể bị chết nếu nhiệt độ xuống thấp.

 

Với lợi thế có gần 7.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, những năm qua, bà con nông dân trong tỉnh đã tập trung chăn nuôi thủy sản, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Để đảm bảo an toàn cho các loài vật nuôi thủy sản phát triển, từ đầu mùa đông năm nay, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã nạo vét ao, hồ, gia cố bờ ao chắc chắn, không để rò rỉ mất nước, đảm bảo thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời. Ông Lương Văn Khoa, ở xóm 7, xã Phú Xuyên (Đại Từ) cho biết: Nuôi cá nhiều năm, tôi nhận thấy, khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, cá sẽ không ăn và ít vận động, lúc này cá quấn đàn để trú rét. Vì vậy, vào mùa đông tôi thường duy trì mực nước ao luôn đảm bảo độ sâu trên 1,5m, tận dụng triệt để các nguồn nước ấm để cấp cho ao. Ngoài ra, tôi còn thả thêm bèo tây trên 2/3 diện tích mặt ao để giữ ấm. Tại khu vực sâu của ao, tôi dùng các sọt đan bằng tre nứa, bên trong có các búi rơm, rạ đã phơi khô và được khử trùng bằng nước vôi dìm xuống đáy ao, để cho cá trú ẩn.

 

Đối với các hộ dân nuôi cá lồng trên các hồ chứa, bà con cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi, thả lồng nuôi sâu trên 3m nước để giữ ấm cho cá. Anh Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sao Sáng, đơn vị hiện đang có hơn 100 lồng cá nuôi trên hồ Núi Cốc cho biết: Vào những ngày rét đậm, cá thường rúc đầu xuống bùn để chống rét khiến nấm thuỷ my phát triển ăn kín vào mang, làm cá bị ngạt thở chết và kèm theo rất nhiều loại bệnh khác phát sinh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo cho đàn cá phát triển ổn định trong mùa đông, chúng tôi thường xuyên cung cấp đầy đủ thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cá. Vào ban đêm và những ngày rét đậm dùng bạt phủ kín bề mặt lồng nuôi nhằm tăng khả năng giữ nhiệt cho cá.

 

Bên cạnh các loại cá nuôi thương phẩm, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý không để đàn thủy sản bố mẹ và đàn giống bị thiệt hại do các nguyên nhân chủ quan. Tại Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã áp dụng các biện pháp nâng nhiệt chủ động như: Làm mái che bằng bạt hoặc nilon trắng, bưng kín trên ao bằng khung tre hay kim loại được thiết kế theo hình mái nhà, để khoảng thoáng từ mặt ao đến đỉnh mái che khoảng > 2m, thắp bóng điện dưới mái che, bóng điện cách mặt ao 20-30 cm.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Nhằm tuyên truyền người dân chủ động chống rét cho vật nuôi, ngay từ đầu mùa đông, Chi cục đã có văn bản đề nghị các phòng, ban chuyên môn của các địa phương chỉ đạo, đôn đốc bà con áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chi cục cũng khuyến cáo bà con cần căn cứ đặc điểm, sinh lý của thuỷ sản để thực hiện các biện pháp như: Khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, không nên cho cá, tôm ăn, vừa tốn thức ăn vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C cá, tôm sẽ tìm nơi tránh rét nên không bón phân hữu cơ xuống ao để đảm bảo môi trường sạch. Trong suốt thời gian thủy sản trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá làm cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết.

 

Cùng với áp dụng các biện pháp trên, các hộ nuôi cần chú ý định kỳ 2 tuần/1 lần khử trùng cho ao nuôi bằng vôi bột với liều lượng 1-2kg/100m3 nước ao/lần. Vôi bột được hòa vào nước và té đều khắp mặt ao vào khoảng 9-10 giờ sáng. Cho cá ăn bổ sung thêm Vitamin C, B1, Bcomplex để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, bà con nên thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, làm tăng ô xy. Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và theo dõi diến biến thời tiết, thực hiện đồng bộ các biện pháp đã được hướng dẫn để tránh thiệt hại. Đối với những cơ sở nuôi thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch cần tổ chức đánh bắt sớm để tránh không xảy ra hiện tượng cá bị chết rét, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ổn định cho thị trường.