Bất cập trong quy hoạch ba loại rừng ở Định Hóa

10:22, 09/12/2016

Mặc dù đã trải qua 2 lần rà soát, điều chỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2007 và 2014, tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch ba loại rừng của huyện Định Hóa (gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) vẫn còn những bất cập khiến cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến khu vực Đồi Phong Tướng, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa). Đây là điểm di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi công bố Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp vào ngày 28-5-1948. Theo quy định, toàn bộ khu vực này phải được quy hoạch thành rừng đặc dụng để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, năm 2014, khu vực này lại được đưa vào quy hoạch rừng sản xuất. Trong khi đó, một khu rừng sản xuất khác nằm cách đó khoảng 200m, mặc dù không có điểm di tích nhưng lại được quy hoạch thành rừng đặc dụng. Ông Phạm Thành Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1, thuộc Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Theo quy định, diện tích rừng xung quanh các điểm di tích (rừng đặc dụng) phải được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm khai thác. Tuy nhiên, do khu vực Đồi Phong Tướng đã được quy hoạch thành rừng sản xuất nên chúng tôi không thể cấm người dân khai thác. Thực tế, ngay sau khi nhận được Quyết định phê duyệt Quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn, chúng tôi đã phát hiện ra sự sai sót, nhầm lẫn này và đã có kiến nghị với cấp trên. Tuy nhiên, đến nay, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa được thực hiện.

 

Theo quy hoạch ba loại rừng của huyện Định Hóa được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014, xóm Đồng Củm, xã Quy Kỳ có trên 60ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích đất rừng của xóm đều được quy hoạch thành rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Xóm có 23 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng, nhưng diện tích đất rừng sản xuất của xóm chỉ còn khoảng 7ha khiến cho nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất. Theo phản ánh của người dân, một số diện tích đất lâm nghiệp do người dân trồng rừng sản xuất từ nhiều năm nay, lại không nằm ở đầu nguồn nhưng vẫn bị quy hoạch thành rừng phòng hộ. Mặt khác, một số khu vực không có điểm di tích được công nhận cũng được đưa vào rừng đặc dụng khiến cho công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Văn Đức, Phó Ban Lâm nghiệp xã Quy Kỳ: Sự bất hợp lý trong quy hoạch ba loại rừng còn diễn ra ở nhiều xóm khác như: xóm Pát Cáp có 9ha đất rừng sản xuất nằm xen kẽ với 25 hộ dân bị quy hoạch thành rừng phòng hộ; xóm Khuân Câm có 3ha đất nông nghiệp bị quy hoạch thành rừng đặc dụng; xóm Đồng Hẩu và xóm Khuổi Tát với gần 100 hộ gia đình nằm gọn trong quy hoạch rừng phòng hộ khiến cho bà con không có đất rừng sản xuất…

 

Được biết, việc rà soát, quy hoạch ba loại rừng được Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với UBND huyện Định Hóa thực hiện từ năm 2007. Tuy nhiên, do có những điểm bất hợp lý nên năm 2014, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch. Theo đó, toàn huyện Định Hóa có 30.267ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 60% diện tích đất tự nhiên của huyện), trong đó, rừng sản xuất 13.779ha; rừng phòng hộ 8.947ha và rừng đặc dụng 7.539ha. Mặc dù đã rà soát và điều chỉnh lại nhưng sau một thời gian thực hiện, quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục bộc lộ hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Nhiều khu vực nằm ở vị trí thấp, không phải đầu nguồn, không có ý nghĩa quan trọng trong việc chống xói mòn, bảo vệ đất và nguồn nước nhưng lại được quy hoạch thành rừng phòng hộ. Nhiều khu vực đang là đất sản xuất của người dân thì bị quy hoạch thành rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ, trong khi Nhà nước lại không có chính sách hỗ trợ cho bà con, khiến người dân bị thiệt thòi. Mặt khác, một số diện tích rừng xung quanh các điểm di tích nhỏ, chưa được công nhận cũng bị đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng dẫn đến tình trạng nhiều người dân mất đất sản xuất… Theo phản ánh của người dân, sở dĩ, việc quy hoạch ba loại rừng chưa hợp lý một phần là do các cơ quan, đơn vị làm công tác quy hoạch đã bỏ qua yếu tố lịch sử trong giao khoán đất rừng trước đây và không tham vấn ý kiến của người dân trước khi thực hiện quy hoạch nên quá trình rà soát cũng như quy hoạch không sát với điều kiện thực tế.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trước những bất cập trong quy hoạch ba loại rừng, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ những diện tích rừng quy hoạch chưa phù hợp. Sau khi tiến hành rà soát, toàn huyện có 18/24 xã, thị trấn đề nghị điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng với tổng diện tích đề nghị điều chỉnh là 4.182ha, trong đó, rừng đặc dụng 7,6ha; rừng phòng hộ 672,3ha và rừng sản xuất 3.502,2ha. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, rà soát lại một lần nữa, đồng thời, tham khảo thêm ý kiến của người dân để đảm bảo yếu tố khách quan và sát với điều kiện thực tế của từng địa phương. Dự kiến, việc rà soát, quy hoạch ba loại rừng sẽ được UBND huyện hoàn thành trong quý 2 năm 2017 trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Là một huyện miền núi có lợi thế về lâm nghiệp, phần lớn người dân sống dựa vào kinh tế đồi rừng nên những bất hợp lý trong quy hoạch ba loại rừng ở Định Hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, cũng như đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Chính vì vậy, việc sớm điều chỉnh lại quy hoạch ba loại rừng cho phù hợp, sát với điều kiện thực tế là mong mỏi lớn nhất của người dân lúc này.