Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cùng với các chính sách từ chính quyền mới khiến sự bất định ngày càng tăng, điều này khiến tỷ giá được dự báo tăng vào cuối năm. Mối quan ngại trên được hầu hết các chuyên gia chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách đưa ra trong buổi tọa đàm thường niên “Làm ăn gì năm 2017?” ngày 10/12.
"Phải công bố ai đang nợ xấu"
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, “Những tháng gần đây, hơn 400 triệu USD vốn ngoại rút khỏi Việt Nam, xu hướng này có tiếp tục hay không? Tôi cho rằng có thể, vì Hiệp định Đối tác xuyên đối Thái Bình Dương (TPP) hiện tại là khó xảy ra.”
Ông Hiếu đánh giá cao một số thành quả kinh tế đạt được khi chính sách tiền tệ thời gian qua. Song vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng vẫn còn những điểm chưa ổn. Cụ thể, lãi suất vẫn cao (huy động 6%, cho vay 6-9%), mức này đối với doanh nghiệp là khó khăn.
“Năm qua, các nhà làm chính sách kêu gọi giảm lãi suất, nhưng trên thực tế vẫn không giảm được,” ông Hiếu nói.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại cho rằng, giảm lãi suất khó mà đạt được khi phân bổ tín dụng không đều. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18%, nhưng thực tế phân bổ tín dụng rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không vay được vốn mặc dù có nhiều gói hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng thương mại chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần vốn. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước không chỉ đưa ra con số nợ xấu mà cần phải công bố ai đang nợ xấu, chắc chắn đó là các tập đoàn lớn. Câu chuyện này lớn hơn nhiều so với tỷ giá hay lãi suất,” ông Mại nói.
Theo báo cáo Thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng một tháng cho khách hàng doanh nghiệp so sánh với năm trước đang tăng.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI, “lạm phát hiện nay đang là 5% thì không có lý do gì dân gửi tiền với lãi suất dưới 5%.”
Ông Linh sự báo, năm 2017 lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Lý do, giá dịch vụ y tế đến thời điểm này chỉ mới tăng ở 32 tỉnh, (trong đó, tháng 10/2016 có tới 15 tỉnh tăng, làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng vọt hơn 13%). Như vậy, cả nước vẫn còn hơn 30 tỉnh phải tăng giá dịch vụ trong năm tới và điều này sẽ làm tăng áp lực lạm phát.
Xuất khẩu bất lợi từ tỷ giá
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi tại sao lãi suất không xuống được. Theo ông, điều này có lẽ xuất phát từ những biến động mà trong đó có yếu tố tỷ giá?
Theo ông Hiếu “sự ổn định của tiền đồng là tốt song không hợp lý trong bối cảnh lạm phát tăng khoảng 5%, do đó tỷ giá biến động hơn 1% thì phù hợp hơn.”
Ông Hiếu phân tích, VND tăng giá cùng với đồng USD, khi so với các tiền tệ khác lại là điều bất lợi cho xuất khẩu. Ví dụ, nhân dân tệ đã tăng 5-6% kể từ đầu năm và dự báo đồng tiền này còn tiếp tục phá giá, điều này không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về điều này, tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra những nguyên nhân, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động, với số sự kiện như Brexit ở Anh hay các điều chỉnh phi truyền thống từ sự kiện đắc cử của ông Donald Trump.
Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách tiền tệ với tỷ giá trung tâm khá thành công. Tính cho đến cuối năm, tỷ giá hầu như ổn định bên cạnh đó tình trạng đô la hoá đã được kiểm soát và dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ giảm đi.
“Chống đôla hóa cũng giúp nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ. Bởi, một nền kinh tế bị đô la hóa thì tác dụng chính sách tiền tệ bị giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó, việc tăng dự trữ ngoại hối lên cao đã có tác dụng lớn trong việc giảm chi phí đi vay trên thị trường quốc tế,” ông Tú Anh nói.
Tuy nhiên, ông Tú Anh cũng thừa nhận, trong bối cảnh nguồn lực đất nước đang có nhiều vấn đề, về tài khóa còn hạn chế, nợ công, thâm hụt… gánh nặng lên chính sách tiền tệ ngày càng lớn. Lãi suất cho vay khoảng 6%-9%, cho thấy rủi ro trong khu vực doanh nghiệp là cao.
Ngoài ra, ông Tú Anh cũng cho biết, “Năm 2017, định hướng chính sách của Việt Nam sẽ khác các nước ở điểm có nhiều mục tiêu. Đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, do đó Ngân hàng nhà nước phải chủ động và linh hoạt đón những biến động cả có lợi và bất lợi”./.