Chủ động làm tốt công tác quản lý chất lượng hàng hoá

10:39, 13/12/2016

Khoảng 5 năm nay, nhờ tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, nhận thức của người kinh doanh và tiêu dùng về vấn đề này đã được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn đang gặp không ít khó khăn khi mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng chưa đáp ứng và phù hợp với nhưng phát sinh trong thực tế; sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan thiếu chặt chẽ…

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương): Để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 230 vụ vi phạm trong lĩnh vực này, phạt hành chính số tiền trên 300 triệu đồng. Đáng lưu ý là qua kiểm tra 3 doanh nghiệp sản xuất và 1 đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 3 nông hộ chăn nuôi với tổng số hàng là 1.000 con lợn chuẩn bị xuất chuồng, lực lượng QLTT đã phát hiện 5 mẫu thức ăn vi phạm chất lượng và mẫu nước tiểu của đàn lợn dương tính với chất sabutamol - chất cấm trong chăn nuôi.

 

Ngoài ra, để góp phần làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP), lực lượng QLTT tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra xử lý nhiều vụ việc mặt hàng bánh kẹo, rượu quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem theo quy định. Riêng trong 11 tháng qua, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 200 vụ vi phạm, trong đó có 508 kg bánh kẹo quá hạn sử dụng; 900 lít rượu và 2.000kg nội tạng không rõ nguồn gốc… Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá, lực lượng QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh còn tích cực làm tốt công tác tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong vai trò là cơ quan thường trực, năm nay, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức hàng chục lớp đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến các công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, đảm bảo ATVSTP… cho các ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên địa bàn tỉnh tham gia.

 

Cùng với đó thì việc tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đã góp phần đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp…

 

Có thể khẳng định, những năm trở lại đây, nhờ chủ động đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá, không chỉ người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc lựa chọn mua các sản phẩm hàng hoá có chất lượng mà cả người kinh doanh cũng nâng cao nhận thức khi yêu cầu nhà phân phối phải cung cấp các sản phẩm hàng hoá đảm bảo ATVSTP, có nguồn gốc rõ ràng.

 

Chị Chu Thị Hoa, một hộ kinh doanh hàng tạp hoá ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Qua các đợt kiểm tra và hướng dẫn trực tiếp của lực lượng QLTT T.P Thái Nguyên, tôi đã hiểu những quy định của Nhà nước trong kinh doanh các sản phẩm hàng hoá như phải kinh doanh các mặt hàng có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng…

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá vẫn đang gặp không ít khó khăn như hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá ở vùng sâu, vùng xa đạt được chưa cao; việc phối hợp giữa các ngành trong quá trình thanh, kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thiếu chặt chẽ, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý toàn diện. Thêm vào đó, năng lực kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng sản phẩm hàng hoá của các đơn vị trên địa bàn còn hạn chế khi thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại. Nhất là tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được những phát sinh trong quá trình quản lý chất lượng.

 

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng, ngành chức năng trong tỉnh cần rà soát, đánh giá tình hình công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong thanh, kiểm tra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Song song với đó là đạo tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ kiểm tra, kiểm soát chất lượng; làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh để ban hành các văn bản về lĩnh vực này phù hợp với thực tế ở cơ sở…