Tháng 11, giá tiêu dùng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm so với tháng trước (chủ yếu do giá thực phẩm giảm nhưng giá lương thực lại tăng 0,15%). Bên cạnh đó, giá xăng dầu, gas, may mặc tăng nên tính chung chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 7,34% so với cùng kỳ và tăng 7,18% so với tháng 12. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng qua tăng 4,17% so với bình quân cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu để tính chỉ số giá, có 4 nhóm có chỉ số giá tương đương tháng trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá; Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông; Giáo dục. 5 nhóm có chỉ số giá tăng, trong đó, tăng nhiều nhất là nhóm giao thông, với 1,66%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%. 2 nhóm có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Trong số các nhóm hàng hóa, dịch vụ này, so với tháng 12-2015, có 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, gấp 2,6 lần (do giá dịch vụ y tế điều chỉnh gấp 3,8 lần, tương đương tăng 278%), giáo dục tăng 10,53% (do giá dịch vụ giáo dục tăng 13,12%), 8 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ từ 0,3% đến dưới 2%. Riêng nhóm Bưu chính chính viễn thông giảm 0,21% (do giá máy điện thoại giảm 1,3%).
Về chỉ số giá vàng và đô la: Trong khi đối với vàng thì giảm 1,19% so với tháng trước; tăng 8,88% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,87% so với tháng 12-2015 thì đô la Mỹ lại tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 0,09% so với cùng kỳ và giảm 0,51% so với tháng 12-2015. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, CPI tháng 11 sẽ tiếp tục đà tăng.