Đảm bảo cân đối giữa thu và chi

10:48, 06/12/2016

Đảm bảo cân đối giữa thu và chi; tăng thu, tiết kiệm chi; nâng cao hiệu quả sử dụng trong chi tiêu ngân sách là những nội dung cơ bản của Tờ trình về việc phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2017 được UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh.

Năm 2017 là năm thứ 2 của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, là năm đầu triển khai Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước, giai đoạn 2017-2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016-2020… Bởi thế, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2017 là phải đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Riêng với định mức phân bổ chi thường xuyên, bên cạnh việc phải đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng toàn tỉnh, sẽ ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và các địa phương còn có điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời có tính đến đặc thù của các địa phương là trọng điểm kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, phải thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính… Việc đưa ra các tiêu chí, căn cứ của định mức phân bổ phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

 

Liên quan trực tiếp đến việc phân bổ, cũng là một trong những căn cứ để xây dựng định mức này là vấn đề thu ngân sách. Theo đó, năm 2017, tổng thu ngân sách được Chính phủ giao cho tỉnh Thái Nguyên là 8.760 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 6.610 tỷ đồng (tiền đất 650 tỷ đồng; thuế, phí và thu khác 5.960 tỷ đồng); thuế xuất nhập khẩu 2.150 tỷ đồng. Trên cơ sở tính toán, tham mưu của các ngành chức năng, tỉnh ta dự kiến sẽ thu được 9.010 tỷ đồng, tăng 250 tỷ đồng so với mức Chính phủ giao, trong đó thu nội địa phấn đấu tăng 150 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu tăng 100 tỷ đồng. Hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Tại sao dự ước tổng thu của tỉnh năm 2016 đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với dự toán, vậy mà số giao của Chính phủ năm 2017 lại chỉ cao hơn số thu thực tế của 2016 là 260 tỷ đồng? Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, nguyên nhân do số vượt thu của năm 2016 chủ yếu từ các nguồn không bền vững. Cụ thể là từ nhà thầu thực hiện Dự án Samsung, thuế thu nhập cá nhân của chuyên gia Dự án Samsung, Núi Pháo và tiền thuê đất nộp một lần cho nhiều năm từ các dự án lớn. Các khoản thu này dự kiến sẽ còn không đáng kể trong năm 2017. Vì thế, dự toán thu ngân sách năm 2017 được tính toán tăng 16% so với ước thực hiện năm 2016 nhưng không kể thu tiền đất và các yếu tố tăng giảm thu do thay đổi chính sách.

 

Theo dự toán giao của Trung ương, tổng chi ngân sách của tỉnh năm 2017 là 9.114 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tăng thu của năm 2016 được chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho năm 2017 nên tỉnh xây dựng tổng chi là 9.952 tỷ đồng (bao gồm chi cân đối 9.082 tỷ đồng; chi chương trình mục tiêu 870 tỷ đồng). Theo đó, trong chi cân đối, tỉnh dành 1.342 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; 6.967 tỷ đồng cho chi thường xuyên; 606 tỷ đồng chi nguồn thực hiện cải cách tiền lương; 166 tỷ đồng dự phòng ngân sách và 1 tỷ đồng bổ sung Quỹ dự trữ tài chính.

 

Đáng chú ý, trong chi đầu tư phát triển, tỉnh dành 650 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản tập trung; chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, thuê đất 690 tỷ đồng; trích quỹ phát triển đất 42 tỷ đồng; chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 10 tỷ đồng; chi hỗ trợ các doanh nghiệp theo chế độ 6 tỷ đồng. Việc chi nguồn này phải tuân thủ theo Nghị quyết số 84/2015/NQ-HĐND ngày 26-8-2015 của HĐND tỉnh, nghĩa là trước hết phải ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; tiếp đến là dự án dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Sau đó mới đến dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt… Không khởi công mới các công trình, hạng mục công trình nếu chưa bố trí đủ vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên trên. Trong trường hợp đặc biệt, cấp bách, UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định cụ thể. Việc tuân thủ theo nguyên tắc này sẽ là yếu tố quan trọng để khắc phục tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản; tránh đầu tư dàn trải và phải xác định được có nguồn thì mới được phép khởi công công trình mới.

 

Đối với chi thường xuyên, chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo chiếm tỷ trọng nhiều nhất, với 2.925 tỷ đồng; chi quản lý hành chính 1.411 tỷ đồng; chi sự nghiệp y tế 820 tỷ đồng; chi sự nghiệp kinh tế 808 tỷ đồng; chi sự nghiệp môi trường 307 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội 284 tỷ đồng và chi sự nghiệp khoa học công nghệ 26 tỷ đồng. Định mức phân bổ đối với các nội dung trong chi thường xuyên đã bao gồm kinh phí thực hiện toàn bộ chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành, tính đến cuối tháng 5-2016 và theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng. Đối với chính sách mới do Trung ương ban hành, chính sách tăng mức chi so với định mức đã tính trong dự toán chi năm 2017, căn cứ trên số bổ sung của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung cho các đơn vị, địa phương để thực hiện theo quy định…

 

Để việc triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp về thu, chi ngân sách, như đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển. Song song với đó chỉ chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; các cơ quan tài chính, kho bạc tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ Nhà nước quy định…