Thời gian qua, Báo Thái Nguyên đã nhận được đơn kiến nghị của một số hộ dân xóm Thống Nhất, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) phản ánh việc đơn vị thi công cho máy móc vào san ủi đất của gia đình mà chưa có sự đồng ý hiến đất. Việc hiến đất nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phả Lý (xã Văn Hán) đi xóm Thống Nhất (xã Khe Mo). Sự việc này đã gây bức xúc trong nhân dân.
Theo phản ánh của người dân, tháng 5-2016, một số hộ dân xóm Thống Nhất được mời ra Nhà văn hóa xóm ký vào bản cam kết hiến đất dọc tuyến đường xóm để cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phả Lý (xã Văn Hán) đi xóm Thống Nhất (xã Khe Mo). Do bản cam kết từ cán bộ địa chính xã đưa cho người dân không ghi rõ cụ thể từng hộ hiến diện tích đất là bao nhiêu nên bà con trong xóm đã không đồng ý ký.
Đến ngày 13-10-2016, UBND xã Khe Mo đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng công trình. Tại cuộc đối thoại, nhân dân mới biết công trình này chỉ là đường cấp phối. Lãnh đạo xã vận động nhân dân hiến đất dọc 2 bên đường mở rộng đường thành 9m. Tuy nhiên, một số hộ dân chỉ đồng ý hiến đất để có đường rộng 7m và phải được đổ bê tông rộng 3,5m, bởi hiện trạng con đường đã được trải cấp phối và có một đoạn dài 250 mét đã đổ bê tông. Trước nguyện vọng và yêu cầu của người dân, lãnh đạo xã Khe Mo tiếp thu, báo cáo UBND huyện và hứa sẽ trả lời nhân dân sau 15 ngày. Song, từ đó đến nay, nhân dân chưa nhận được trả lời từ phía lãnh đạo UBND xã Khe Mo; còn đơn vị thi công đã cho máy móc vào múc đất, san lấp đất của các hộ dân khi chưa có sự đồng ý.
Theo Quyết định số 7346/QĐ-UBND ngày 30-10-2015 của UBND huyện Đồng Hỷ về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phả Lý (xã Văn Hán) đi xóm Thống Nhất (xã Khe Mo), tuyến đường xây dựng có tổng chiều dài trên 4km, chiều rộng nền đường là 6,5m, chiều rộng mặt đường là 3,5m; chiều rộng lề đường là 1,5m; kết cấu mặt đường là cấp phối sông suối dày 20cm. Tổng dự toán công trình trên 11,3 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách huyện) do UBND huyện làm chủ đầu tư, trong đó chi phí xây dựng trên 8,9 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án trên 183,4 triệu đồng, chi phí tư vấn trên 819,5 triệu đồng, chi phí khác trên 380 triệu đồng; chi phí dự phòng trên 1 tỷ đồng. Như vậy, công trình này không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, chủ đầu tư sẽ phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho biết: Ngày 8-5-2016, UBND xã mới nhận được Quyết định số 7346/QĐ-UBND của UBND huyện Đồng Hỷ. Ngay sau khi nhận được Quyết định, xã đã tổ chức họp với các hộ bị ảnh hưởng của tuyến đường đi qua để truyên truyền, vận động về chủ trương, hiến đất làm đường và ký cam kết hiến đất theo đúng quy trình. Nhìn chung, đa số các hộ đều đồng thuận với chủ trương và hiến đất làm đường. Mặc dù, chủ đầu tư chưa xác định diện tích hiến đất của mỗi hộ là bao nhiêu nhưng đa số hộ dân tuy chưa ký cam kết vẫn đồng ý để đơn vị thi công; song một số hộ dân lại không nhất trí.
Ông Vũ Quang Dũng, Trưởng Ban Quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng huyện Đồng Hỷ, đại diện chủ đầu tư cho biết: Khi có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng tuyến đường, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có công trình đi qua triển khai chủ trương làm đường và tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để làm đường. Mặc dù tuyến đường này đi qua trung tâm xã, song do nguồn vốn hạn hẹp nên giai đoạn này, huyện chủ trương mở rộng đường một lần và rải cấp phối, sau này có điều kiện mới tiếp tục đổ bê tông.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ chỉ đồng thuận về chủ trương làm đường, chưa nhất trí hiến đất, bởi bà con vẫn chưa biết chính xác mình sẽ hiến bao nhiêu đất? Bà Nguyễn Thị Thu, một hộ dân xóm Thống Nhất bức xúc: “Chúng tôi nhất trí hiến đất để làm đường, song nguyện vọng là được đổ bê tông để đạt tiêu chí nông thôn mới. Nếu làm đường cấp phối thì sao phải mở rộng như vậy? Về sau này đường đổ bê tông, chúng tôi có phải đóng góp lần nữa không?”. Bà Nguyễn Thị Mùa, một hộ dân cùng xóm cho rằng: “Trong buổi triển khai ký cam kết với nhân dân để hiến đất, do không đầy đủ các thành phần (chỉ có 2 cán bộ địa chính) tham dự cuộc họp; không rõ mỗi hộ hiến đất là bao nhiêu? Nên tôi cũng không ký vào bản cam kết hiến đất”.
Được biết, đến ngày 25-11-2016, các hộ dân bị ảnh hưởng công trình vẫn chưa biết chính xác diện tích đất hiến là bao nhiêu và cũng chưa ai ký vào bản cam kết hiến đất. Thế nhưng 1 tuần trước đó, đơn vị thi công đã cho máy móc vào san ủi đất, tài sản trên đất, gây sự bất bình trong một số hộ dân. Chị Bùi Thị Vân, một người dân xóm Thống Nhất cho biết: Gia đình tôi sẵn sàng hiến đất làm đường, nhưng phải xác định diện tích hiến đất cụ thể là bao nhiêu? Mặc dù tôi chưa đồng ý, ngày 18-11-2016, trong lúc tôi vắng nhà, đơn vị thi công đã đưa máy móc vào san ủi đất và cây trồng trên đất của gia đình. Khi có người báo, tôi về đã yêu cầu đơn vị thi công dừng ngay việc san ủi đất. Việc cắm mốc mặt bằng trước đó, gia đình cũng không được cấp có thẩm quyền gặp, trao đổi.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ, chủ trương cải tạo, nâng cấp tuyến đường trên đều nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, công trình bị người dân phản ứng mấu chốt ở chỗ: Chủ đầu tư chưa xác định được diện tích hiến đất của từng hộ gia đình bị ảnh hưởng đã yêu cầu người dân “ký khống” vào bản cam kết. Khi chưa được sự đồng thuận của một số hộ dân, đơn vị thi công đã tự ý san ủi lấy mặt bằng thi công con đường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và xã chưa phối hợp để tuyên truyền đầy đủ cho người dân: Vì sao lại phải mở rộng đường 9 mét? Vì sao chưa đổ bê tông mà lại rải cấp phối, trong khi đó nguyện vọng của người dân đã làm đường thì phải đổ bê tông?
Hiện nay đơn vị thi công đang mở rộng tuyến đường theo thiết kế, song vẫn vướng một số hộ “chưa thông” và gây thắc mắc trong nhiều hộ dân về những lý do trên. Vì vậy, Chủ đầu tư và xã Khe Mo cần tiếp tục tuyên truyền và giải quyết những thắc mắc của hộ dân để tuyến đường nhận được sự đồng thuận từ tất cả người dân.