Trong 5 năm qua, T.P Sông Công đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như: Quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển hạ tầng công nghiệp, xây dựng công trình bảo vệ môi trường... Điều đáng nói ở đây, lượng vốn được huy động nhiều nhất chính là từ nguồn xã hội hóa.
Trong tổng số 2.686 tỷ đồng được huy động phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng các lĩnh vực ở T.P Sông Công, thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 30-40%; còn lại, được huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà tài trợ và nhân dân đóng góp.
Xác định quy hoạch là nhân tố quan trọng định hướng sự phát triển, những năm qua T.P Sông Công đã tập trung nguồn vốn thỏa đáng cho công tác này. Theo kế hoạch đề ra trong cả giai đoạn, vốn dành cho quy hoạch của thành phố là 18,3 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm 2015, con số này đã đạt 25,3 tỷ đồng, vượt 83%. Trong đó, Thành phố dành sự quan tâm nhiều tới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bởi đây được xem là quy hoạch nền, có vai trò định hướng các quy hoạch ngành đi sau. Ngoài ra, Thành phố còn quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch nông thôn mới... Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết: Nhờ quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch mà các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thành phố đều tuân thủ theo đúng hướng, đảm bảo phát triển đô thị văn minh, hiện đại...
Cùng với đầu tư cho quy hoạch, Thành phố cũng tập trung huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, nâng tầm đô thị công nghiệp. Kết thúc năm 2015, tổng số vốn dành cho công tác này là trên 925 tỷ đồng, vượt 126% so với dự kiến. Việc tăng mạnh vốn đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp là hoàn toàn hợp lý, nhằm đón đầu các dự án FDI quan trọng trong chuỗi sản xuất các sản phẩm phụ trợ, phục vụ cho ngành điện tử, thông tin đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thời gian gần đây. Thành phố đã dành vốn cho công tác quy hoạch, cải thiện mặt bằng, hoàn thiện xây dựng hạ tầng KCN Sông Công I, KCN Sông Công II; cụm công nghiệp Khuynh Thạch, Nguyên Gon, Cải Đan với tổng diện tích 86,83ha với 15 dự án đang đầu tư, sản xuất. Việc tạo mặt bằng sạch trong các khu, cụm công nghiệp những năm gần đây cũng đã giúp thu hút được nhiều dự án đầu tư vào Thành phố, trong đó đáng chú ý có các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài như: Công ty DooSun, Công ty TNHH Lửa Việt Besttref... Riêng trong năm 2015, đã có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài triển khai trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư 22,174 triệu USD trên tổng diện tích 6,7ha.
Mặt khác, khi hạ tầng khu, cụm công nghiệp được đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi, kích thích các doanh nghiệp đã đầu tư trước đó mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhà máy Gạch ốp lát Việt Ý (Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Công nghiệp Thái Nguyên) là một trường hợp điển hình. Trong năm 2015, đơn vị này đã đầu tư trên 70 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư lò sấy 1 tầng, lò phát sinh khí than nguội cung cấp khí đốt cho lò nung, lò sấy... Đặc biệt là Nhà máy đã đưa vào sử dụng máy in kỹ thuật số trị giá 5 tỷ đồng thay cho máy in phun, góp phần nâng cao chất lượng mẫu mã, giá trị của sản phẩm.
Là Thành phố phát triển công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà máy, trong đó hầu hết đều thuộc nhóm ngành cơ khí, luyện kim, những ngành được đánh giá là có tác động xấu đến môi trường nên Sông Công không tránh khỏi những ảnh hưởng về môi trường. Để tìm hướng giải quyết tình trạng này, trong 5 năm qua, Thành phố đã huy động 27,7 tỷ đồng, vượt 133% so với dự tính ban đầu để xây dựng trạm xử lý nước thải, xây dựng khu chôn lấp; điểm thu gom rác thải, mở rộng nghĩa trang... Trong đó vốn đầu tư từ các doanh nghiệp chiếm khá lớn. Ví dụ như Nhà máy Kẽm điện phân. Đây là một trong những doanh nghiệp được người dân cho là đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở KCN Sông Công I. Ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy cho biết: Trước kia, do chưa làm chủ về công nghệ nên Nhà máy đã gây tác động xấu về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những năm gần đây, chúng tôi cũng rất cố gắng trong công tác khắc phục. Tháng 10 vừa qua, Nhà máy đã đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí thải với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường và ở ngưỡng an toàn cho phép.
Như vậy có thể thấy, việc huy động vốn phát triển hạ tầng, trong đó chủ yếu là vốn ngoài ngân sách ở Sông Công trong 5 năm qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Về kế hoạch huy động vốn 5 năm tới (2015-2020), theo người đứng đầu UBND Thành phố, ông Lê Văn Khôi thì dự kiến sẽ có trên 6.300 tỷ đồng được huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động sẽ vẫn là một trong những giải pháp quan trọng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, Thành phố sẽ đặc biệt quan tâm đến chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng.