“Đòn bẩy” thúc đẩy vùng gian khó vươn lên

11:12, 31/12/2016

Trong 15 năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã ATK, các xóm ĐBKK của tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đây chính là là “đòn bẩy” để thúc đẩy những vùng quê còn gian khó trên địa bàn tỉnh vươn lên.

Đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp trở lại Tân Yên - bản người Dao duy nhất của xã Mỹ Yên (Đại Từ). Cho xe chạy chầm chậm trên con đường bê tông uốn lượn, phóng tầm mắt ra xa, khung cảnh bản người Dao hiện lên đầy sống động với những ngôi nhà xây xinh xắn, những ruộng ngô, đồi chè xanh mướt mát. Chị Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết: Có được sự bứt phá như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của người dân là sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của Nhà nước. Từ nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng của Chương trình 135, con đường dài hơn 1km vào bản đã được bê tông hoá tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Cả việc hỗ trợ giống chè cành LDP1 nữa, đã giúp 72 hộ dân trong bản mạnh dạn phá bỏ những diện tích chè trung du già cỗi để trồng lại bằng giống chè cho năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn 50 hộ làm chè trong bản đã mua được các loại máy móc phục vụ sản xuất chè như máy sao vò chè, tôn quay chè...

 

Bản Tân Yên hôm nay đã không còn tách biệt với “thế giới” bên ngoài như 15 năm về trước nữa. Có thể nói, chính những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; sự quan tâm của chính quyền địa phương là “đòn bẩy” để vùng quê này phát triển, để khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí… giữa Tân Yên và các xóm trong xã ngày càng được thu hẹp… Điều đáng nói là Tân Yên không phải là nơi duy nhất nhận được sự quan tâm đặc biệt ấy. Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, Thái Nguyên có 85 xã, thị trấn ATK, đặc biệt khó khăn (ĐBKK); 28 xóm ĐBKK thuộc 13 xã khu vực II được hưởng lợi những chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Ông Nông Văn Trân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định: Nhờ các chương trình, dự án… hỗ trợ của Nhà nước, nhiều xã ATK và xóm ĐBKK trong tỉnh đã đổi thay tích cực chỉ trong vòng 5 năm, từ hệ thống đường giao thông đến cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế... Điều đáng nói là kinh tế ở các địa phương này đang chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rất rõ rệt…

 

Đúng như nhận định của ông Trân, từ năm 2011 đến nay, do được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên hệ thống đường giao thông ở các xã ATK, xóm ĐBKK của tỉnh đã được cứng hoá. Đến nay, có gần 627km đường liên xã và gần 1.000km đường liên xóm ở các xã này được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Nhiều trường học trong khu vực đã hoàn thiện cơ sở vật chất để đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt khi mà số giáo viên đạt chuẩn chiếm tới hơn 97% và số học sinh được lên lớp thẳng hằng năm chiếm từ 95 đến 98%. Cùng với đó, 52% số xã ATK đã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế giai đoạn 2011-2020; hệ thống trạm biến áp, đường điện được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sủ dụng điện lưới Quốc gia.

 

Kết cấu hạ tầng thay đổi đã làm thay đổi diện mạo của những vùng từng được coi là gian khó. Vui hơn khi ở các miền quê này, giống lúa, ngô lai đã xuống đồng và bao giống chè mới đã bén rễ trên những quả đồi rộng lớn… Có được thành quá ấy cũng là nhờ những chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp rất kịp thời của Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp cho các xã vùng sâu, vùng xa, xã ATK của tỉnh lên đến hơn 277 tỷ đồng. Ông Phùng Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, một trong những xã ATK của huyện Định Hoá cho hay: Thông qua triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất của Nhà nước, chúng tôi đã khuyến khích được bà con tích cực phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, chè...

 

Có lẽ, một trong những biến chuyển đáng ghi nhận nữa phải kể đến ở các xã ATK và các xóm ĐBKK của tỉnh là sự hình thành và phát triển nhanh chóng các làng nghề, làng nghề truyền thống. Và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dự án khuyến công địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…. chính là động lực để các làng nghề này phát triển. Hiện tại, toàn vùng ATK và các xã có xóm ĐBKK đã có 162 làng nghề sản xuất chế biến chè, thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng... (trong đó có 140 làng nghề trồng, chế biến chè). Hoạt động của các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân…

 

Có thể khẳng định, các cơ chế, chính sách của Nhà nước chính là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số ĐBKK phát triển. Dù vậy, để các xã này phát triển một cách bền vững thì vẫn còn đó những phần việc phải thực hiện trong tương lai. Và việc ưu tiên làm ngay là các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục khuyến khích các địa phương này đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về lao động, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, cảnh quan du lịch; xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn, các xã ATK. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số ĐBKK.

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi người dân ở vùng ATK và ĐBKK cũng phải thay đổi nhận thức, không chông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế để không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn làm giàu cho quê hương và góp phần đưa vùng ATK, vùng ĐBKK vươn lên cùng đất nước.