“Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những phong trào được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, qua đó giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng.
Sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự trở về, anh Hà Văn Sơn, sinh năm 1985, xóm Đồng Mó, xã Phú Thượng (Võ Nhai) tích cực tham gia các hoạt động Đoàn ở địa phương. Qua đó, anh học hỏi được kinh nghiệm làm giàu của nhiều gương điển hình, cộng với sự tiếp sức của Đoàn xã, anh quyết định lập nghiệp tại quê hương. Từ số vốn 20 triệu đồng do tổ chức Đoàn hỗ trợ cho vay, anh lựa chọn giống cây na về trồng. Sau hơn 5 năm miệt mài lao động, hiện nay, với trên 4.000 gốc, vườn na của gia đình anh cho thu hoạch trên 5 tấn/vụ. Anh tiếp tục trồng thử nghiệm 240 cây nhãn, đến nay, cũng cho thu hoạch khoảng 1 tấn/vụ. Tính ra, tiền lãi từ vườn cây của gia đình trung bình mỗi năm trên 120 triệu đồng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh Sơn luôn sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào của tổ chức Đoàn, Hội. Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã Phú Thượng, anh thường xuyên khuyến khích, động viên, hỗ trợ thanh niên trong xã phát triển kinh tế tại quê nhà. Năm vừa qua, anh đã tư vấn, hỗ trợ 5 ĐVTN trong xã xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi cho thu nhập ổn định.
Cũng được tổ chức Đoàn tiếp sức, năm 2013, sau khi được vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, 7 thanh niên tại xã Kha Sơn (Phú Bình) đã lên ý tưởng thành lập Tổ hợp tác chuyên về dịch vụ cơ khí, lắp đặt, kinh doanh nhôm kính, mái tôn, cửa cuốn… Nhờ sự liên kết chặt chẽ cộng với lòng nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của các thành viên, các sản phẩm của Tổ hợp tác dần ra đời và cung ứng được cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mới đây, Tổ hợp tác này đã mở rộng quy mô với 3 nhà xưởng đặt trên địa bàn xã, tạo thêm việc làm cho hàng chục thanh niên, cho thu nhập ổn định từ 4-6 triệu/tháng.
Anh Lê Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Được phát động từ năm 2007 đến nay, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được triển khai sâu rộng tới các cơ sở Đoàn. Xác định công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho ĐVTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Hàng năm, Tỉnh đoàn chỉ đạo các Đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật chăm sóc giống, cây trồng, vật nuôi; tổ chức các buổi tham quan những mô hình làm kinh tế hiệu quả... giúp ĐVTN nâng cao kiến thức, hiểu biết trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho ĐVTN được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức 15 lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho khoảng 800 người thuộc đối tượng là cán bộ các doanh nghiệp, thanh niên phát triển kinh tế tại các địa phương tham gia; tổ chức khóa đào tạo “Kỹ năng lập phương án kinh doanh hiệu quả và giải pháp tài chính cho doanh nghiệp” cho 55 người là lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đoàn các cấp cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dạy nghề, qua đó đã có trên 4.000 thanh niên được giới thiệu việc làm trong năm 2016.
Nhằm giúp ĐVTN, nhất là thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để giải ngân nguồn vốn ưu đãi. Hiện, Tỉnh Đoàn đang hỗ trợ 9 dự án thanh niên phát triển kinh tế tại các huyện, thành, thị từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với tổng số vốn gần 2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho trên gần 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động nhằm tuyên dương ĐVTN làm kinh tế giỏi cũng được tổ chức thường xuyên, có tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức của ĐVTN trong phát triển kinh tế. Qua đó, ĐVTN đã tích cực học tập kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết, tìm hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, làm ăn có hiệu quả...
Có thể nói, các hoạt động đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp của các cấp bộ Đoàn thời gian qua đã phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Phong trào đã góp phần giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều ĐVTN có việc làm, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.