Hài hòa các mảng màu sáng - tối

09:33, 01/12/2016

Thuần túy trong mỗi bức tranh, hiển nhiên có những khối màu sáng - tối khác nhau. Gam sáng làm nên sắc thái tươi mới, còn gam tối lại tạo ra độ tương phản cần thiết. Trong lĩnh vực công nghiệp (CN) cũng vậy, dù thuận lợi thế nào cũng khó tránh khỏi sự chênh lệch trong tăng trưởng nội ngành. Đó cũng là cung bậc màu sắc của bức tranh CN Thái Nguyên năm vừa qua.

1. Qua đánh giá của Sở Công Thương, chúng ta có thể dễ dàng hình dung bức tranh CN của tỉnh năm 2016 với chủ đạo là gam màu sáng. Nói vậy bởi kết thúc năm, tốc độ tăng trưởng của cả ngành CN vượt tới 23% so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh cả năm đạt trên 477 nghìn tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm. Tuy không có mức tăng trưởng đột biến như một vài năm trước, song so với thực số đạt được, GTSXCN của tỉnh vẫn rất lớn, tăng tới 26,7% so với cùng kỳ.

 

Không ngạc nhiên khi đóng góp tích cực vào gam màu sáng của bức tranh CN địa phương năm qua vẫn là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chủ đạo là Samsung và các dự án phụ trợ cho Samsung. Chính khu vực này đang chiếm tỷ trọng GTSXCN cao nhất, tới 93% toàn ngành. Phải thừa nhận, ngành CN của tỉnh có bước phát triển đột biến cũng là nhờ khu vực vốn FDI với dòng sản phẩm chủ đạo là điện tử. Từ khi có mặt tại Thái Nguyên vào năm 2014 đến nay, năm nào Samsung và các doanh nghiệp (DN) phụ trợ cũng đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng, điều mà chưa khi nào các chuyên gia trong ngành CN của tỉnh dám nghĩ tới. Chính Samsung và các DN vốn FDI đã tạo ra bước đột phá CN cho tỉnh cả giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo với tốc độ tăng GTSXCN bình quân 5 năm qua đạt tới 70,8%/năm. Riêng trong năm 2016, GTSXCN khu vực vốn FDI đạt 444 nghìn tỷ đồng, tăng 27,9% cùng kỳ và bằng 109,6% kế hoạch.

 

Năm 2016, mặc dù không phải là năm phát triển suôn sẻ của Samsung do gặp sự cố ở dòng sản phẩm chiến lược, song Tập đoàn này vẫn đóng góp rất lớn cho ngành CN của tỉnh. Trong năm, nhóm sản phẩm điện tử gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng của Samsung vẫn đạt 116,7 triệu sản phẩm, tăng 11,8% so với cùng kỳ và bằng 101,5% kế hoạch đề ra. Trong đó, điện thoại thông minh tăng 18,51%.

 

Không thể phủ nhận vai trò đầu tàu của Samsung vì sau khi Tập đoàn này xuất hiện đã như một lực hút khổng lồ kéo hơn 60 nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là DN Hàn Quốc đến đầu tư tại Thái Nguyên. Chính sự phát triển của các DN vốn FDI đã làm cho mảng màu sáng trong bức tranh CN của tỉnh càng trở nên tươi mới hơn.

 

2. Khu vực CN trong nước (gồm cả CN Trung ương và địa phương) lâu nay vẫn bị xem là lép vế hơn rất nhiều so với khu vực CN vốn FDI. Bởi thực chất khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng 7% trong cả ngành CN của tỉnh. Trong đó, CN địa phương chiếm 3,6% và CN trung ương chiếm 3,4%. Do lép vế và chênh lệch lớn nên khu vực CN trong nước vẫn được ví như mảng sẫm màu trong bức tranh chung của ngành CN. Tuy nhiên, mảng màu này lại luôn thể hiện được vai trò quan trọng trong tương quan màu sắc của cả bức tranh. Vì tỷ trọng lao động của khu vực CN trong nước vẫn chiếm khoảng 40% tổng số lao động toàn ngành. Do đó, kết quả sản xuất CN trong nước tuy không đóng góp nhiều về giá trị sản xuất nhưng có tác động lớn đến đời sống người lao động.

 

 

Khu vực công nghiệp trong nước tuy chiếm tỷ trọng không lớn song có những đóng góp quan trọng về lao động, việc làm. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.    

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, năm 2016 nhịp độ sản xuất CN của các DN nội địa phát triển khá ổn định. Trong năm qua, chúng ta được chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của một số dòng sản phẩm như: Điện sản xuất đạt tới 1.610 triệu Kwh, tăng 79,1%; điện thương phẩm đạt 3.980 triệu Kwh, tăng 55,5%; nước máy thương phẩm đạt 28,5 triệu m3, tăng 27,8%; Vonfram và các sản phẩm của Vonfram đạt 15,2 nghìn tấn, tăng 27,4%... Cùng với đó, những sản phẩm CN truyền thống của tỉnh như sắt thép, may mặc cũng có bước tăng trưởng khá. Qua đó, giúp GTSXCN địa phương đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% cùng kỳ; CN trung ương đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% cùng kỳ.

 

Mặc dù vậy, như thường lệ trong khu vực CN nội địa vẫn luôn có những nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng thấp hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đó là các sản phẩm đá khai thác, xi măng, thiết bị, dụng cụ y khoa, gạch xây dựng, phụ tùng xe máy, than khai thác, công cụ, dụng cụ các loại...

 

3. Nếu xét về GTSXCN, khu vực vốn FDI luôn đứng đầu, trong khi CN nội địa còn ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh phát triển bền vững, CN nội địa vẫn có những ưu thế nhất định. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay rất cần sự quan tâm đầu tư phát triển CN nội địa cho tương xứng. Để tăng tỷ trọng đóng góp của CN nội địa trong toàn ngành, một loạt phương án, giải pháp của tỉnh đã được đề ra. Trong đó, đáng chú ý là sự quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong nước, đồng thời thực hiện kế hoạch phát triển CN dài hạn.

 

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách đối với ngành CN hỗ trợ, đặc biệt là CN hỗ trợ công nghệ cao. Tận dụng triệt để nhu cầu của Samsung đối với các DN phụ trợ để khuyến khích DN trong nước tiếp cận, trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện và lắp ráp các sản phẩm cho Tập đoàn danh giá này. Mặt khác, tích cực quan tâm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ về vốn, công nghệ, thông tin, môi trường đầu tư... Dành một khoản kinh phí thích đáng cho công tác hỗ trợ đầu tư và phát triển các sản phẩm CN công nghệ mới, tiểu thủ CN và làng nghề ở khu vực nông thôn. Nhất là tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập ở nông thôn, gắn phát triển CN nông thôn với xây dựng nông thôn mới.

 

Có chính sách khuyến khích các DN địa phương đổi mới phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu thành lập Quỹ tín dụng phát triển làng nghề để phát triển CN và tiểu thủ CN địa phương. Tiếp tục kiến nghị để có cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các khu, cụm CN theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư, trong đó trọng tâm là lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung cải cách hành chính theo hướng rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp; rút ngắn thời gian cấp phép; giảm thiểu giấy tờ, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực... Thông qua đây giúp cộng đồng DN địa phương có lợi thế, điều kiện để phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tiến tới hài hòa, giảm chênh lệch trong tương quan phát triển CN toàn tỉnh.