Hạt nhân của kinh tế tập thể

07:42, 21/12/2016

Những năm qua, mặc dù còn gặp khó khăn nhưng nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có phương án hoạt động hiệu quả để duy trì sản xuất và ngày càng phát triển. Các HTX này trở thành mô hình tiên tiến, điển hình để nhiều đơn vị khác học tập.

Đơn vị đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là HTX Đồ gỗ mỹ nghệ Thủy Hòa, ở xóm Trúc Mai, xã La Hiên (Võ Nhai). Được thành lập từ năm 2006 với 3 xã viên (nay gọi là thành viên HTX), vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ mộc dân dụng và đồ gỗ mỹ nghệ, những năm đầu, HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Song, với sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm làm giàu từ nghề mộc, các thành viên HTX đã vượt qua những khó khăn ban đầu để duy trì và từng bước mở rộng sản xuất. Đến nay, HTX có 5 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có đội ngũ thợ lành nghề, các sản phẩm của HTX khá phong phú, đa dạng (như bàn ghế, khuôn cửa, cánh cửa, cầu thang, giường, tủ, ván trần nhà, sàn nhà...) với nhiều mẫu mã khác nhau theo thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Anh Nguyễn Phong Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: Những năm đầu hoạt động là quãng thời gian tôi và anh em vừa làm vừa tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để khẳng định chỗ đứng của HTX. Chúng tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở nhiều làng nghề khác nhau. Bởi, mỗi một làng nghề đều có thế mạnh riêng. Cùng với đó, HTX cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều của Liên minh HTX tỉnh, Sở Công Thương, UBND huyện Võ Nhai về vốn vay, tập huấn, đào tạo về quản lý kinh doanh, tài chính, kế toán...

 

Mới thành lập từ năm 2012, HTX Chè Tuyết Hương, ở xóm Na Long, xã Hóa Thượng (hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến chè) cũng từng bước vươn lên trở thành đơn vị điển hình tiên tiến của huyện Đồng Hỷ. Chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Đến nay, HTX có 15ha chè (chủ yếu là các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao), cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn chè búp khô/năm. Các sản phẩm của HTX cũng đa dạng, phong phú với mức giá từ 200 đến 700 nghìn đồng/kg, đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, tỉnh ta có 412 HTX, trong đó 9, huyện, thành thị đều có những HTX hoạt động hiệu quả, nổi bật, trở thành mô hình điển hình tiên tiến. Cụ thể như: HTX Vận tải Ô tô Tân Phú (T.P Thái Nguyên) là điển hình trong lĩnh vực vận tải và thương mại dịch vụ tổng hợp; HTX Chè Tân Hương, HTX Chè Minh Thu (T.P Thái Nguyên) điển hình trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và dịch vụ nông nghiệp); HTX May công nghiệp Tân Bình Minh (T.X Phổ Yên) điển hình trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); HTX Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Liên Sơn (Phú Lương) điển hình trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp và tín dụng nội bộ; HTX Môi trường Phú Cường (Võ Nhai), điển hình trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường...

 

Những HTX điển hình tiên tiến chính là hạt nhân của kinh tế tập thể, khi được quan tâm nhân rộng sẽ trở thành điểm sáng cho các đơn vị khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Theo ông Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, HTX điển hình tiên tiến phải đáp ứng một số yêu cầu như: Tuân thủ hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; không ngừng phát triển, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt công tác kế toán, thống kê theo quy định; doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước...

 

Xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng các HTX điển hình tiên tiến, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh kinh tế tập thể phát triển, trong đó chú trọng nhân rộng các HTX điển hình tiên tiến. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2010-2015. Trong đó, Đề án đã đề ra mục tiêu ở mỗi huyện thành, thị xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình tiên tiến để nhân ra diện rộng. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 37 mô hình HTX điển hình tiên tiến. Để có được kết quả trên, trước hết phải kể đến sự năng động, sáng tạo của các HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX phát triển.

 

Những năm tới, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu ở mỗi huyện, thành, thị sẽ xây dựng từ 2 đến 4 mô hình HTX điển hình tiên tiến; chú trọng xây dựng mô hình trong các lĩnh vực chế biến chè, rau, củ, quả an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông, lâm sản… Để thực hiện tốt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế của tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân Luật HTX năm 2012, các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể; triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, HTX; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX, thành viên HTX vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, tổ chức lại sản xuất nhằm giảm tỷ lệ HTX yếu kém và tăng HTX hoạt động hiệu quả, nhất là ở khu vực nông nghiệp nông thôn...