Mặc dù mới chính thức triển khai từ tháng 9-2016, nhưng đến nay, hoạt động cho vay qua tổ liên kết của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên đã bước đầu cho thấy những hiệu quả thiết thực cho cả người vay, ngân hàng và các hội, đoàn thể nhận phối hợp. Ghi nhận của chúng tôi tại Agribank Chi nhánh huyện Phú Bình.
Theo bà Dương Thị Miền, Giám đốc Agribank Phú Bình thì phương thức cho vay qua tổ là một trong những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, để triển khai được việc cho vay này, căn cứ theo chỉ đạo và sự phối hợp của Agribank, tháng 6-2016, Agribank Thái Nguyên đã ký biên bản thỏa thuận với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh. Theo đó, có 3 huyện là Phú Bình, Phú Lương và Đại Từ được triển khai thí điểm. Từ tháng 11, triển khai đến các huyện, thành, thị còn lại.
Đối với Phú Bình, sau khi tỉnh triển khai, Chi nhánh huyện đã tham mưu, đề xuất với UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư vốn Agribank, với 6 thành viên tham gia, gồm: Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND (làm trưởng ban), chủ tịch hội nông dân, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, trưởng công an xã, cán bộ địa chính và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn của ngân hàng. Đối với tổ vay vốn có 2 thành viên, gồm tổ trưởng (là chi hội trưởng nông dân hoặc chi hội trưởng phụ nữ) và tổ phó (là trưởng xóm/tổ dân phố). Ban Chỉ đạo và các tổ vay vốn có trách nhiệm tuyên truyền đến người dân và các tổ viên chính sách của Agribank, liên hệ với cán bộ tín dụng phụ trách để thẩm định, thiết lập hồ sơ cho vay khi người dân thuộc tổ mình có nhu cầu; cung cấp các thông tin cần thiết, có liên quan của người vay đến ngân hàng; giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên đúng mục đích, hiệu quả.
Tính đến hết tháng 10, Agribank Phú Bình đã thành lập được 306 tổ/318 xóm, tổ dân phố, ở 20/21 xã, thị trấn (riêng xã Đồng Liên chưa có Ban Chỉ đạo do số lượng khách hàng ít). Trong đó, số tổ do Hội Nông dân tỉnh quản lý là 148, với 3.238 khách hàng, còn lại 158 tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, với 3.682 khách hàng. Tính đến ngày 15-12, dư nợ do các tổ quản lý là 588 tỷ đồng, chiếm trên 66% tổng dư nợ của Chi nhánh (Chi nhánh hiện có 888 tỷ đồng dư nợ, tăng 31% so với cuối năm 2015). Theo quy định, đối với các khoản vay dưới 500 triệu đồng sẽ được thực hiện cho vay qua tổ, còn nhiều hơn sẽ trực tiếp giao dịch tại Chi nhánh.
Nói về hiệu quả của việc cho vay này, theo ông Nguyễn Đăng Trình, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư vốn Agribank xã Bàn Đạt cho biết: Cho vay qua tổ không những giúp người vay thuận tiện hơn về thủ tục (người vay chỉ cần báo với tổ trưởng tổ vay vốn) mà còn giúp người vay tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi được trả lãi hàng tháng tại UBND xã thay vì phải đến ngân hàng. Cũng bởi sự thuận tiện này nên dù mới triển khai được 3 tháng nhưng số hộ đăng ký vay mới và số dư nợ của các hộ dân trong xã đã tăng lên đáng kể, từ 16 tỷ đồng (hồi tháng 8) lên gần 20 tỷ đồng (tính đến đầu tháng 12), với gần 400 khách hàng. Có vốn, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, một số hộ mở thêm cả dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân trong xã.
Còn theo anh Nguyễn Văn Cường, xóm Đồng Cão, xã Đồng Liên thì mặc dù Agribank huyện chưa thành lập được Ban Chỉ đạo tại xã nên khách hàng của Đồng Liên phải sang Bàn Đạt giao dịch nhưng do 2 xã gần nhau nên giờ mỗi lần đi nộp lãi tôi chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ cả đi, về và thời gian chờ nộp, còn trước đó phải mất nửa ngày, thậm chí là hơn. Các thủ tục cho vay hiện cũng đơn giản, nhanh gọn hơn rất nhiều. Đối với những khoản vay dưới 100 triệu đồng, người vay không còn phải về huyện làm thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo với Phòng Tài nguyên - Môi trường nên tình trạng người dân đi vay ngoài, với lãi suất cao giảm hẳn. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn nữa cho người vay, anh Cường đề nghị, những khoản vay dưới 100 triệu đồng, Agribank nên cho khách hàng được lựa chọn trả theo tháng hoặc quý, mà không nên quy định cứng phải nộp theo tháng như hiện nay, để người dân đỡ tốn nhiều công đi nộp.
Không chỉ mang đến nhiều thuận lợi cho người dân, việc tổ chức cho vay qua tổ liên kết còn mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho ngân hàng, mà trước hết phải kể đến là tỷ lệ thu lãi đúng hạn đạt cao hơn so với trước, đạt từ 91-92%, nhiều tổ có tỷ lệ đạt 100%. Dư nợ cho vay cũng tăng đáng kể. Qua 3 tháng triển khai, trung bình mỗi tháng, dư nợ của Chi nhánh tăng trên 10 tỷ đồng so với trước. Đặc biệt, việc đôn đốc thu hồi nợ xấu có sự chuyển biến rõ rệt. Một số khách hàng đi làm ăn xa, trước khó thu nợ đến hạn nhưng nay tổ trưởng, tổ phó tổ vay vốn đến nhắc nhở thông qua người thân trong gia đình nên họ đã tự giác gửi tiền về nộp. Cũng do việc nộp lãi được thực hiện tại xã đã giảm tải đáng kể lượng khách hàng nhỏ lẻ giao dịch tại quầy, nhờ đó Chi nhánh có điều kiện chăm sóc khách hàng lớn, khách hàng tiền gửi và sử dụng các dịch vụ khác được chu đáo, nhanh chóng. Còn đối với 2 hội nhận phối hợp với Agribank, do được trích một phần hoa hồng trong tổng số thu lãi của khách hàng nên các chi hội và người trực tiếp tham gia có thêm kinh phí hoạt động, tạo điều kiện để các hội cũng như hội viên gắn kết với nhau trong sinh hoạt.
Với những hiệu quả bước đầu đã đạt được trong công tác phối hợp, bà Dương Thị Miền cho biết: Trong quá trình triển khai, chúng tôi tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của khách hàng, báo cáo kịp thời với cấp trên để xem xét, đưa ra những điều chỉnh sao cho thuận lợi nhất đối với người vay mà vẫn đảm bảo được các yếu tố an toàn, hiệu quả cho ngân hàng. Chúng tôi cũng đang đề nghị Hội sở nghiên cứu, cho phép giải ngân và thu hồi nợ đến hạn những khoản vay nhỏ tại xã. Cùng với đó, sẽ mở rộng thêm các tổ giao dịch ở tất cả các xã, thị trấn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của khách hàng.