Mở hướng thoát nghèo ở Văn Lăng

10:34, 05/12/2016

Nhờ có sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, người dân xã vùng cao Văn Lăng (Đồng Hỷ) mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi dê. Cùng với đó, do thị trường tiêu thụ ổn định nên việc phát triển loài vật nuôi này đã mở hướng thoát nghèo hiệu quả cho các hộ dân nơi đây.

Gia đình anh Lý Tài Trung, ở xóm Tân Sơn, là một trong những hộ nuôi nhiều dê nhất của xã Văn Lăng. Hiện nay, nhà anh có hai trại nuôi dê được thiết kế khoa học. Trại nuôi làm bằng gỗ, gồm nhiều chuồng nhỏ, sàn chuồng cách mặt đất khoảng 1m để bảo đảm sự khô ráo, thoáng mát và đủ ánh sáng. Anh Trung cho biết: Con dê ưa sạch sẽ, nếu nuôi trên nền đất ẩm hoặc bị bẩn thì chúng rất dễ mắc các bệnh viêm phổi, thối móng và bị giảm sức đề kháng. Do đó, để đàn dê khỏe mạnh, chuồng nuôi cần có sàn cao, tránh bị ngập nước, ẩm ướt và dễ dọn phân cũng như tạo được sự thông thoáng. Hai trại nuôi của gia đình tôi thường xuyên có khoảng 60 con dê. Từ hai trại này, mỗi năm nhà tôi xuất bán được khoảng 60 con dê thịt và hàng chục con dê giống, cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

 

Với gia đình anh Triệu Văn Long, dân tộc Dao, ở xóm Dạt, thu nhập từ nuôi dê đã giúp nhà anh thoát nghèo. Anh Long kể: Với diện tích hơn 2ha đất đồi rừng, trước kia vợ chồng tôi trồng ngô, lúa nhưng chẳng đủ ăn. Từ năm 2010, được chính quyền địa phương vận động, gia đình đã vay mượn thêm họ hàng để chăn nuôi dê thương phẩm… Từ 5 con dê ban đầu, đến nay nhà anh Long đã phát triển thành đàn dê hơn 40 con, thương lái thường đến tận nhà mua với giá 120 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, đàn dê đem về cho vợ chồng anh Long nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Qua gần 6 năm chăn nuôi dê, gia đình anh không chỉ thoát nghèo, trả hết nợ mà còn dựng được ngôi nhà trị giá trên 100 triệu đồng thay thế ngôi nhà đất đã bị xuống cấp và lo cho các con ăn học đầy đủ.

 

Theo anh Trung, anh Long và nhiều người dân xã Văn Lăng, việc chăn nuôi dê không khó, con dê ăn tạp nên rất dễ nuôi, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu của chúng là cây cỏ tự nhiên có sẵn ở các triền núi. Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả từ việc phát triển chăn nuôi dê ở địa phương, ông Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Văn Lăng là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã có gần 1,4 nghìn hộ với gần 5,5 nghìn nhân khẩu, trong đó 2/3 là dân tộc thiểu số, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 98%. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, do tập quán sản xuất còn lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Để người dân phát triển kinh tế, qua thực tế chúng tôi thấy việc phát triển chăn nuôi đàn dê ở Văn Lăng có nhiều thuận lợi do diện tích đồi rừng nhiều, đặc biệt là có diện tích núi đất, núi đá lớn có nguồn thức ăn phong phú, rất phù hợp chăn nuôi dê. Bên cạnh đó, mức đầu tư vốn ban đầu để chăn nuôi dê không cao là một thuận lợi để người dân đầu tư chăn nuôi. Chỉ từ 30 triệu đồng, người dân đã có thể gây dựng được 1 đàn dê. Trong khi đó, con dê có khả năng sinh sản nhanh, ít bị bệnh, sản phẩm thịt có giá trị dinh dưỡng cao, được đánh giá là an toàn, người tiêu dùng ưa chuộng, do đó bán được giá và dễ dàng tiêu thụ. Để sản phẩm dê có chất lượng tốt và trở thành sản phẩm hàng hóa, phát huy điều kiện sẵn có của địa phương, chúng tôi đã vận động người dân trong xã thực hiện mô hình chăn, nuôi dê hàng hóa và cải tạo đàn dê. Giúp người nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh sang nuôi dê bán thâm canh. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập.

 

Theo số liệu thống kê, xã Văn Lăng hiện có tới gần 100 hộ nuôi dê theo kiểu bán chăn thả với quy mô từ 15-30 con. Được biết gần đây, nhiều người cho rằng ăn thịt dê an toàn hơn thịt lợn vì dê ăn toàn thực phẩm ngoài thiên nhiên, không chịu ảnh hưởng của thuốc tăng trọng. Nhờ vậy mà thịt dê luôn ở mức ổn định từ 100.000-130.000 đồng/kg; dê giống có giá 1,5 triệu đồng/cặp; dê cái hậu bị có giá từ 3-5 triệu đồng/con. Theo ước tính, người nuôi dê thương phẩm đạt hiệu quả cao gấp hai, ba lần nuôi lợn và nuôi bò vì nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn là cây cỏ tự nhiên, giảm thiểu chi phí mua thức ăn và chỉ sau 5 tháng là có thể xuất bán dê thịt. Tính trung bình, một hộ dân nuôi dê ở xã Văn Lăng nuôi vài con dê cái sinh sản và khoảng hai chục con dê thịt mỗi năm ít nhất cũng cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ thêm: Cách làm của chúng tôi là từng bước trang bị kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi mới cho người dân, xây dựng các mô hình nuôi dê hiệu quả... để người dân làm theo. Đồng thời tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông và cán bộ các dự án mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân. Đến nay, hầu hết các gia đình trong xã đều có nhu cầu được tham gia học tập, tìm hiểu về cách sản xuất mới, tiến bộ thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua các lớp tập huấn, người dân đã cải tạo được giống dê cỏ của địa phương, cho lai với giống dê Boer và được giống dê cho thịt thương phẩm, trọng lượng cơ thể của dê đực trưởng thành khi xuất bán có thể đạt tới 110 kg/con. Bên cạnh đó, bà con trong xã cũng được hỗ trợ để cải tạo chất lượng đàn dê cái sinh sản (với các giống dê cái Boer và dê lai Bách Thảo). Chúng tôi cũng kết nối để người dân có thể mua dê giống từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây. Những con giống ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ, có thể nuôi nhốt hoặc chăn thả. Đồng thời, địa phương còn trợ giúp người dân mua được thuốc tẩy giun sán, thuốc kháng sinh, đá khoáng phù hợp để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê, qua đó giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, một số hộ vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình…