Nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng rừng

09:06, 30/12/2016

Xã Phúc Thuận có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây chè, đồng thời cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất lớn nhất của thị xã Phổ Yên. Không chỉ tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, nhân dân ở đây còn chú trọng mở rộng diện tích rừng sản xuất và có thu nhập khá.  

Khi chúng tôi đến, gia đình ông Trần Văn Hoàn, ở xóm Khe Lánh (xã Phúc Thuận) đang cùng thợ sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 để kịp đón Tết Nguyên đán sắp tới. Ông cho biết: Để có tiền sửa chữa ngôi nhà này, gia đình tôi vừa bán hơn 1ha rừng keo 7 năm tuổi (được trên 60 triệu đồng). Từ hàng chục năm trước, vợ chồng tôi đã khai phá đất hoang quanh nhà để trồng keo. Nhận thấy việc trồng rừng cho nguồn thu nhập khá cao, đồng thời góp phần điều hòa nguồn nước, tạo khí hậu mát mẻ nên sau khi bán 1ha keo, tôi lại trồng tiếp 2,5ha, giờ cây keo đang phát triển tốt…

 

Anh Phạm Hùng Sơn, Trưởng xóm Khe Lánh cho biết: Người dân ở đây đa phần từ các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định lên khai phá đất và định cư từ những năm 1970. Năm 1990, bà con đã tham gia các dự án trồng rừng của Nhà nước nhưng với diện tích nhỏ (lúc đó cả xóm mới có khoảng 17ha rừng trồng). Hiện nay, xóm có 105 hộ, gần 400 nhân khẩu, trong đó 80 hộ có rừng trồng (với tổng diện tích trên 170ha). Hộ trồng ít như nhà ông Hoàn thì từ 1-2ha, còn trồng nhiều thì có tới gần 20ha rừng, như gia đình các ông Nguyễn Huy Cường, Phạm Hùng Sơn, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Văn Phương… Ngoài cây chè (30ha) và các loại cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi Diễn (35ha), trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế chính của người dân trong xóm. Cây keo lai dễ trồng, chăm sóc, hợp với chất đất ở đây, lại không mất nhiều công lao động. Đến nay, nhiều hộ được thu hoạch, bán keo với giá cao, như hộ anh Vũ Văn Phúc mới khai thác 1,5ha rừng keo 10 năm tuổi thu được 150 triệu đồng; các ông Nguyễn Viết Quý, Phạm Văn Đoan bán 1,5ha keo được 100 triệu đồng.

 

Nhận thức được trồng rừng mang lại hiệu quả về nhiều mặt nên người dân ở 23/28 xóm của xã Phúc Thuận đã tận dụng từng khoảnh đất để trồng rừng. Các quả đồi Mỏ Quạ, Chẻ Lạt, Cây Đa… Nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ phong phú này, trên địa bàn xã cũng đã hình thành 5 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, ván dăm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tập trung ở các xóm Tân Ấp 1 và xóm 7.

 

Đối với cơ sở sản xuất ván dăm của Công ty TNHH Thương mại Thịnh Thảo, cũng ở xóm Tân Ấp 1, anh Trần Đức Thịnh, Giám đốc Công ty cho biết: Sau 5 năm kinh doanh nhỏ lẻ, tháng 5-2013, tôi quyết định vay mượn ngân hàng, anh em, họ hàng thành lập Công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng lâm sản, trong đó sản xuất chính về ván dăm. Hiện, Công ty có 10 công nhân lao động, mức lương trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Công ty chuyên thu mua gỗ tròn (keo) của người dân trên địa bàn với giá trung bình 900-950 nghìn đồng/tấn để sơ chế, băm nhỏ… rồi bán lại cho các thương lái trong tỉnh và Quảng Ninh, Hải Phòng để xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Trung Quốc. Ngoài một xưởng ở xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận với diện tích mặt bằng và nhà xưởng hơn 2.200m2, Công ty còn mở một nhà xưởng với quy mô tương tự ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ). Với nhiều ưu điểm của sản xuất ván dăm: quá trình sơ chế như bóc vỏ, vận chuyển cơ bản là máy móc, Công ty tận dụng được tối đa nguyên liệu, vỏ lại bán cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu dùng làm chất đốt.

 

Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận thông tin khái quát: Xã Phúc Thuận có tổng diện tích rừng là hơn 2.840ha, trong đó rừng sản xuất là trên 1.200ha. Mỗi năm, xã đều khuyến khích, chỉ đạo các xóm tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác cải tạo, trồng mới 100-130ha chủ yếu là cây keo, vượt kế hoạch thị xã giao. Các xóm có nhiều diện tích rừng là: Khe Lánh, Hồng Cóc, Đầm Ban, Ấp Lươn… Cũng theo ông Huân, cùng với cây chè vốn là thế mạnh của địa phương, trồng rừng đã góp phần không nhỏ để nâng cao thu nhập cho người dân. Thống kê năm 2015, thu nhập bình quân của người dân xã Phúc Thuận là gần 30 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo là 159 hộ (giảm 35 hộ so với năm 2014). Vì vậy, khi chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, các hộ đã tự giác chăm sóc, phối hợp cùng các lực lượng chức năng bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đồng thời, hướng dẫn bà con tích cực trồng thay thế những diện tích rừng sau khi được khai thác. Tỷ lệ che phủ rừng cao nên nhiều năm qua đã góp phần giúp chống xói mòn, sụt lở đất trên địa bàn. Xã đã và đang phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để thúc đẩy kinh tế rừng phát triển…