Người mua tìm đến sản phẩm rau an toàn

09:06, 01/12/2016

Đã gần chục năm nay, ruộng rau của gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ở xóm Vân Đình, xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã trở thành địa chỉ “đỏ” về rau an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Gần đến vụ thu hoạch, gia đình bà lại nhận điện thoại đặt hàng của các nhà phân phối, đại lý và nhà hàng, khách sạn từ T.P Thái Nguyên.

Cũng vì ổn định đầu ra của sản phẩm nên gia đình bà Bình đã dành 2 sào ruộng thuận lợi nhất trong việc chăm sóc để gieo trồng rau sạch theo đúng quy trình sản xuất rau ATVSTP được các cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn. Bà Bình cho biết: Ban đầu cũng khó bán vì rau không đẹp, nhưng mình làm cho gia đình, họ hàng ăn nên rất coi trọng yếu tố bảo đảm an toàn về sức khỏe. Nhà nông mà mắc bệnh nan y, nhất là bị nhiễm chất độc hại từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phải đi viện thì lấy đâu ra tiền chạy chữa. Tiếng lành đồn xa, các lớp học mầm non, lớp bán trú… bắt đầu đặt mua rau của nhà tôi theo từng tháng và từng loại rau theo vụ, dần dần nhân rộng ra nhiều nhà hàng, khách sạn thông qua các nhà phân phối.

 

Với mức thu nhập đạt 12,5 triệu đồng/sào/năm (sau khi trừ các chi phí ban đầu và công chăm sóc), 2 sào rau sạch của gia đình bà Bình cho nguồn thu cao hơn cả chục lần so với cấy lúa trên cùng diện tích. Bà tính toán: Để sản xuất ra 1 sào lúa thì từ đầu vụ đến khi thu hoạch người nông dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc từ các loại chi phí như làm đất, gieo cấy, làm cỏ, tiền giống, tiền thuốc trừ sâu, công gặt hơn 1 triệu đồng. Trung bình, năng suất mỗi sào lúa đạt 3 tạ/sào, với mức giá khoảng 5.000 đồng/kg thì người nông dân bán được 1,5 triệu đồng, trừ chi phí còn 500.000 đồng. Mỗi năm cấy 2 vụ, trừ mọi chi phí, chia cho 12 tháng thì thu nhập từ 1 sào lúa chỉ còn 80.000-120.000 đồng/tháng. Ngược lại trồng rau sạch mặc dù phải phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường, nhưng khi đã có uy tín, kinh nghiệm, thì làm đến đâu bán hết đến đấy. Khó nhất trong sản xuất rau sạch là tạo được niềm tin với người tiêu dùng, và khi đã có niềm tin thì khó có thể dứt bỏ chuyển nghề.

 

Bà Bình tâm sự: “Đã có những lúc gia đình không có người làm, bản thân tôi phải về Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội chăm sóc chồng mổ vết thương tái phát, nhưng không ngày nào các nhà phân phối, các bếp ăn tập thể không gọi điện đặt hàng. Từ chối thì coi như bỏ nghề vì khách đặt hàng bằng cả niềm tin và bản thân cũng tạo dựng mối quan hệ thị trường bằng cả chữ tín mà bao năm gây dựng. Thôi thì có thiệt cũng phải cố tranh thủ về mượn người chăm sóc rau giúp cho đúng thời vụ và quy trình, rồi lại xuống viện chăm ông”. Bà chia sẻ thêm kinh nghiệm về trồng cà chua: Nếu thời điểm ra hoa, ban ngày mà buông lưới thì không có côn trùng tham gia thụ phấn, mức độ đậu quả thấp. Chính vì vậy, bà Bình luôn chú ý đến những thời điểm quyết định việc sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Riêng khâu thu hoạch, bao giờ bà Bình cũng tuân thủ đúng quy trình là dừng tất cả các hoạt động bón thúc, trừ sâu bệnh hại trước 10-12 ngày, mà chỉ buông lưới bảo vệ cây, tưới nước giữ ẩm. Tính cẩn trọng và tuân thủ đúng quy trình làm rau an toàn đã khiến bà con trong xóm, xã tin dùng sản phẩm rau của gia đình bà. Từ đó, uy tín làm rau sạch của gia đình bà Bình ngày càng được nhiều người biết đến.

 

Trăn trở lớn nhất đối với mô hình sản xuất rau sạch như hộ gia đình bà Bình là muốn mở rộng thì hết đất. Muốn hợp tác mở rộng, thì đặc tính ruộng đồng, nhân lực lao động có hạn và tính nhạy bén với quy trình chăm sóc rau sạch của các hộ lân cận còn nhiều hạn chế. Bà Bình cho biết: Từ khi có “thương hiệu” thì gia đình luôn mong muốn mở rộng, cho bà con cùng  xóm, làng cùng làm. Nhưng khó nhất là vấn đề dồn điền, đổi thửa. Vì ruộng đồng muốn chuyên canh thì phải rộng, đồng chất đất, môi trường. Khi tưới là chỉ việc đóng máy bơm nước là cả xứ đồng, cánh đồng cùng đón nhận… Nhưng khó nhất là ruộng đồng của nhân dân trong xóm, xã lại nhỏ lẻ, tính toán mỗi nhà một cách cho riêng mình, nên đa số chỉ quan niệm tập trung cho cây lúa. Thực tế này đang đặt ra những vấn đề mới để nhân rộng vùng rau ATVSTP thành vùng hàng hóa tập trung, đó là cần thực hiện dồn điền đổi thửa; kết nối xây dựng vùng rau an toàn phải theo kế hoạch và đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó cũng cần có sự đầu tư từ phía doanh nghiệp, nhà phân phối, khi xác định vùng hàng hóa độc quyền, để nông dân chuyên tâm sản xuất.