Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chè ở Phú Lương

09:59, 31/12/2016

Với hơn 4.300ha, Phú Lương hiện là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 của tỉnh việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè đã và đang được huyện quan tâm để từng bước khẳng định thương hiệu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khả Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Những năm qua, Phú Lương luôn chú trọng đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế cho những diện tích chè đã già cỗi; áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ đầu tư máy móc vào trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản chè. Nhờ đó, sản phẩm chè của địa phương ngày càng được nâng cao về năng suất, chất lượng, góp phần giải quyết việc làm lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện, năng suất chè của huyện đã đạt 110 tạ/ha, tăng 25 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng chè búp tươi đạt 41.400 tấn, tăng 6,4 tấn so với năm 2013. Các làng nghề chè của huyện hiện đang giải quyết việc làm cho trên 5.200 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, huyện đã bắt đầu đưa nhiều giống chè giâm cành vào trồng như: TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc…, bình quân mỗi năm trồng mới và trồng lại được 250ha chè. Hiện nay, trong hơn 4.300ha chè toàn huyện thì đã có tới khoảng gần 40% tổng diện tích là chè giâm cành.

 

Không chỉ đưa vào trồng nhiều giống chè chất lượng, huyện Phú Lương còn triển khai quy trình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap tới người dân. Dù quy trình đòi hỏi khá khắt khe, song nhận thức được hiệu quả, lợi ích về kinh tế cùng với đảm bảo môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng nên nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia. Toàn huyện đã có 7 tổ sản xuất chè an toàn với quy mô trên 100ha (tăng 5 tổ so với năm 2013), trong đó, xã Tức Tranh có 5 tổ sản xuất, gồm: Quyết Thắng, Minh Hợp, Thác Dài, Tân Thái và Gốc Gạo; xã Yên Lạc có 1 tổ ở xóm Hang Neo và Vô Tranh có 1 tổ ở xóm Trung Thành 1. Hiện nay, người dân ở nhiều địa phương cũng đã đăng ký sản xuất áp dụng quy trình này như: Xóm Trung Thành 2  (Vô Tranh); xóm Yên Thủy 1, Yên Thủy 3, Yên Thủy 4, Đồng Bòng (Yên Lạc)…

 

Nhiều hộ dân làm chè ở Phú Lương đã tự thành lập công ty để thu mua, xuất bán sản phẩm chè an toàn ra thị trường. Trong ảnh: Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Thác Dài giới thiệu quy trình đóng gói sản phẩm chè bằng máy hút chân không.

 

Ông Lê Văn Hùng, một trong những hộ dân tích cực áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn của xóm Tân Thái, xã Tức Tranh cho biết: Gia đình tôi có hơn 4.000m2 chè đều áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, diện tích chè của gia đình được tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ việc ghi chép nhật ký, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước phun tưới được lắng đọng, dùng bạt và nong nia để rũ chè tươi và chế biến chè. Nhờ sản xuất đúng quy trình mà năng suất, chất lượng chè đã thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, với diện tích trên, trung bình mỗi lứa gia đình chỉ thu được khoảng trên dưới 2 tạ chè búp khô thì nay thu được khoảng 2,5 tạ. Nhờ chú trọng trong khâu chăm sóc, chế biến nên chất lượng chè đã tăng lên, giá bán đã tăng từ 50-70 nghìn đồng/kg so với trước. Hiện nay, gia đình tôi thường bán sản phẩm tại nhiều cơ quan, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng với giá dao động từ 250-350 nghìn đồng/kg.

 

Cùng với các giải pháp trên, huyện Phú Lương đã luôn chú trọng đến việc phát triển các làng nghề chè. Bởi lẽ, đây vừa là nguồn động viên để bà con tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời là cơ hội để quảng bá sản phẩm ra thị trường. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn huyện Phú Lương đã có thêm 5 làng nghề chè được UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số làng nghề chè của huyện lên 32 làng nghề (toàn huyện có 34 làng nghề); là huyện đứng thứ 2/9 huyện, thành thị của tỉnh về số lượng làng nghề được công nhận (toàn tỉnh hiện có 196 làng nghề, trong đó có 174 làng nghề trồng và chế biến chè) hiện nay.

 

Ông Nguyễn Khả Chung cho biết thêm: Trước đây, chè là cây xóa đói giảm nghè nhưng nay đã là cây làm giàu cho người dân. Những năm qua, cùng với việc đầu tư để tăng năng suất, chất lượng thì việc quảng bá thương hiệu sản phẩm chè cũng đã được huyện thực hiện. Rõ nét nhất là nay huyện đã có 2 địa phương xây dựng được nhãn hiệu chè tập thể là Vô Tranh và Tức Tranh. Đặc biệt, với sản phẩm chè an toàn, nhiều hộ dân đã chủ động đăng ký mã vạch, tên, tuổi, địa chỉ để xuất bán ra sản phẩm thị trường. Năm 2017, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất chè tập trung ở một số xã chè trọng điểm, mục đích là để có sự đầu tư, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản chè nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

 

Có thể nói, với những giải pháp trên, thời gian qua, sản phẩm chè của Phú Lương đã từng bước, khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, bình quân mỗi năm, người trồng chè trên địa bàn huyện đã xuất bán hàng trăm tấn chè búp khô, chè an toàn ra thị trường; bày bán tại một số hệ thống đại lý, siêu thị ở một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh…