Bằng sự nhạy bén, năng động, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Cường, Phố Chợ Đồn, xã Kha Sơn và CCB Ngọ Quang Tái, xóm Quyên, xã Bảo Lý (Phú Bình) đã thành công trong phong trào phát triển kinh tế, trung bình mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Dẫn chúng tôi đến thăm cơ sở bóc gỗ của CCB Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1968), ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Kha Sơn giới thiệu: Mặc dù mới được thành lập và hoạt động được gần 2 năm nhưng xưởng sản xuất gỗ bóc này đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, trong đó có 15 người là con em hội viên CCB, cựu quân nhân với thu nhập đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng. CCB Nguyễn Mạnh Cường không chỉ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế mà còn là cán bộ gương mẫu, tích cực của địa phương. Ông từng là Trưởng xóm và hiện là Bí thư Chi bộ xóm Phố Chợ Đồn (từ năm 2009 đến nay). Ngoài ra, ông Cường còn là Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Phú Bình. Với những thành tích trong phát triển kinh tế và trong công tác xã hội, ông đã nhận được nhiều giấy khen của huyện Phú Bình và xã Kha Sơn, đặc biệt là được Hội CCB tỉnh khen thưởng vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Hội giai đoạn 2011-2015.
Năm 1990 xuất ngũ trở về địa phương và lập gia đình, ông Cường xin vào làm ở một công ty gần nhà. Nhưng sau 1 năm, công ty giải thể, ông cùng vợ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Qua thăm dò thị trường, nhận thấy người dân có xu hướng phát triển chăn nuôi, ông Cường chuyển sang buôn bán lợn giống. Hằng tuần, ông đi xe máy đến các trang trại trong tỉnh, tìm mua, tuyển chọn những con giống có chất lượng tốt, đạt chuẩn, sau đó gom lại thuê xe chở và bán lẻ cho người dân. Kiên trì như vậy trong nhiều năm, ông đã mua được xe tải, tự mình lái xe đến các tỉnh gom mua lợn thịt và xuất hàng bán sang Trung Quốc. Năm 2013, ông Cường quyết định dừng việc buôn bán con giống, về địa phương làm kinh tế. Nói về điều này, ông Cường cho biết: Buôn bán lợn giống tuy cho thu nhập khá, từ 10-15 triệu đồng/tháng nhưng phải đi lại nhiều, rất vất vả. Về địa phương, thấy việc mở xưởng gỗ bóc có tiềm năng, vừa có thu nhập ổn định lại có thể tạo việc làm cho người dân địa phương nên tôi đã quyết đầu tư. Với số tiền 1 tỷ đồng tích cóp được và vay thêm ngân hàng, tôi đầu tư 4 tỷ đồng mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng bóc gỗ. May mắn là từ khi hoạt động đến nay, xưởng hoạt động tốt, trung bình mỗi năm cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Cũng từng tham gia nghĩa vụ quân sự, được rèn luyện trong môi trường kỷ luật cao, sau khi xuất ngũ, CCB Ngọ Quang Tái (sinh năm 1960) đã chọn quê hương mình là xóm Quyên, xã Bảo Lý là nơi khởi nghiệp. Hiện nay, trong khu đất rộng hơn 3ha, ông Tái đã xây dựng được khu chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP với số lượng 1.000 con; ngoài ra, gia đình ông còn nuôi 2.000 con gà và 35.000 con vịt/năm. Trung bình mỗi năm, gia đình có nguồn thu nhập bình quân 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà, vịt; ước tính tháng 12 tới đây, khi xuất bán lứa lợn đầu tiên chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ông Tái sẽ thu về từ 500 - 700 triệu đồng.
Hiện nay, trang trại chăn nuôi của ông Tái đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài việc tích cực phát triển kinh tế gia đình ông Tái còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Quyên. Qua 11 năm công tác (từ 2005 đến nay), bằng trách nhiệm và lòng nhiệt tình, ông đã góp phần để Chi hội CCB xóm Quyên luôn là địa chỉ tin cậy cho các hội viên CCB sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm. Chi hội giờ không còn gia đình hội viên nghèo.
Ông Dương Văn Cường, Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Bình cho biết: Đây chỉ là hai trong số hàng trăm hội viên của Hội CCB huyện Phú Bình đã phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ vươn lên làm giàu cho gia đình và cho quê hương. Họ là những điển hình của những CCB trong thời đại mới, không chỉ làm kinh tế giỏi mà luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, là tấm gương sáng để các CCB khác và thế hệ trẻ noi theo.