Những năm gần đây, tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã hình thành một số tổ hợp tác (THT) làm ăn năng động, hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia. Đây chính là tiền đề để hình thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Đánh giá về tình hình hoạt động của các THT trên địa bàn, ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn cho biết: Hiện nay, thị trấn có 7 THT, trong đó có 1 THT chăn nuôi, 3 THT trồng rau an toàn, 3 THT sản xuất chè an toàn đều hoạt động khá tốt. Qua thực tế phát triển ở địa phương cho thấy, mô hình THT phù hợp với đại bộ phận người dân bởi sự gần gũi và hiệu quả hoạt động thiết thực. Không chỉ thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, các THT còn tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại một số THT sản xuất rau an toàn của thị trấn Hùng Sơn. Được biết diện tích rau tập trung ở các xóm Đồng Cả, Xuân Đài và tổ dân phố Cầu Thành 1. Các tổ viên thường xuyên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên năng suất rau vượt trội, đạt gần 300 tấn/ha/vụ, đáp ứng trên 60% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân địa phương. Chị Đoàn Thị Thúy, Tổ trưởng THT Trồng rau an toàn xóm Xuân Đài cho biết: Tham gia sinh hoạt trong tổ, chúng tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để sản xuất đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể cùng nhau luân phiên thay đổi giống theo từng gia đình, từng mùa vụ để tránh tình trạng cùng trồng một loại rau dẫn đến khó tiêu thụ, đồng thời tạo sự đa dạng trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ khi tham gia THT, chúng tôi có cơ hội tham gia tập huấn mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện, từ đó biết cách làm ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn cho sức khỏe, giá bán vì thế cũng tăng thêm hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với giá rau thông thường, đầu ra tương đối ổn định.
Bên cạnh những thuận lợi trong việc giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, việc hình thành các THT còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi lẽ, các thành viên trong tổ hầu hết là những người chung ngành nghề, chung sở thích nên khi sát nhập với nhau sẽ tăng thêm kinh nghiệm, tăng nguồn vốn, dẫn tới tăng sản phẩm có chất lượng. Điển hình như THT Chăn nuôi an toàn thị trấn Hùng Sơn. Mặc dù mới thành lập và với số thành viên còn hạn chế nhưng THT được ghi nhận bởi cách thức tổ chức chặt chẽ, hợp tác thực chất và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Đỗ Thị Thúy, Tổ trưởng THT cho biết: Khi chưa có THT, các hộ gia đình chỉ làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nguồn vốn thiếu, giá đầu vào cao, còn đầu ra rất bấp bênh và không có khả năng đáp ứng khi có đơn hàng lớn… Qua tham quan một số mô hình THT hiệu quả và được sự định hướng của chính quyền địa phương, 5 hộ chăn nuôi cùng tự nguyện hợp tác và quyết định thành lập THT, từ đây, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau thông tin về các trang trại cung cấp giống chất lượng cao, các đại lý cám và thuốc thú y có uy tín, nhờ vậy mà chăn nuôi cũng thuận lợi hơn. Phát huy các mô hình chăn nuôi sẵn có của các hộ thành viên, đến nay, THT Chăn nuôi an toàn thị trấn Hùng Sơn đã có 3 trang trại lợn và 2 trang trại gà với quy mô trên 200 con lợn nái và lợn thịt cùng với gần 6.000 con gà đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, THT xuất ra thị trường khoảng 250 tấn thịt và 2.600 con gà giống, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động.
Một yếu tố quan trọng nữa liên quan đến việc đánh giá chất lượng hoạt động của các THT đó là vấn đề đầu ra cho sản phẩm của những đơn vị này. Trên thực tế, phần lớn các THT trên địa bàn Thị trấn đều đang tiếp cận dần với các đơn vị bao tiêu sản phẩm và có đầu ra tương đối ổn định. Đơn cử như 3 THT trồng rau an toàn của thị trấn đến nay đã thu hút trên 120 hộ dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGAP với diện tích gần 10ha và là nguồn cung cấp thực phẩm thường xuyên cho Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Nguyên cùng 8 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn (với khối lượng khoảng 15 tạ/ngày). Để mở rộng sản xuất và việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, tới đây, THT sẽ hoàn tất các thủ tục để nâng cấp lên thành HTX rau an toàn…
Từ những hiệu quả thiết thực mà các mô hình THT mang lại, ngày càng có nhiều người dân biết đến và mong muốn tham gia. Các THT đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong kinh tế tập thể, khắc phục lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để cùng sản xuất, cùng giúp đỡ nhau phát triển.