Niềm vui của làng nghề chè

09:20, 20/12/2016

Thời điểm này, người làm chè ở xóm Làng Cháy, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) có thêm niềm vui khi mới được tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống. Niềm vui ấy có được là do người dân những đổi thay tích cực trong chăm sóc và chế biến chè. Từ đó, sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt và bảo vệ sức khỏe người làm chè, người tiêu dùng.

Đến xóm Làng Cháy, chúng tôi được đi thăm các nương chè xanh tốt, ngay hàng, thẳng lối, được phủ gốc giữ ẩm, vệ sinh sạch sẽ, một số đã được trang bị hệ thống vòi tưới tự động hiện đại. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Bà con ở đây rất có ý thức trong việc chăm sóc diện tích chè của gia đình nên từ đầu năm đến cuối năm, lúc nào các nương chè cũng sạch sẽ, xanh tốt. Xóm Làng Cháy có 100 hộ, thì 70 hộ gia đình có thu nhập từ cây trồng này. Với diện tích trên 20ha trồng chè, người dân trong xóm đều đã thực hiện tốt cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương. Trong xóm có những gia đình sản xuất chè đến đâu bán hết đến đấy, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/lứa. Sở dĩ được như vậy vì bên cạnh sao được chè ngon, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất chè an toàn vì hiểu rằng sản xuất an toàn chính là giữ gìn sức khỏe của gia đình, hàng xóm và người tiêu dùng.

 

Được biết, cây chè bén rễ ở xóm Làng Cháy từ những năm 1960. Khi ấy, xóm là vùng trồng nguyên liệu cung cấp cho Nông trường Chè Sông Cầu (nay là Công ty Chè Sông Cầu). Vì được thiên nhiên ưu ái cho thổ nhưỡng thuận lợi phù hợp với cây chè, nên sản phẩm chè ở đây có hương vị thơm, ngon, đậm đà, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh sự ưu ái của thiên nhiên, bà con trong làng nghề cũng ngày càng chú trọng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất bằng cách trồng những giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, chế biến chè do Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, người trồng chè ở Làng Cháy đã chủ động làm quen với quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, gần 90% hộ làm chè trong xóm đều áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Tạ Duy Hiển, người tiên phong sản xuất chè an toàn của xóm, anh chia sẻ: Bên cạnh lợi nhuận từ cây chè, chúng tôi ý thức được việc sản xuất chè an toàn là rất cần thiết, trước tiên là bảo vệ sức khỏe của chính những người làm chè. Bởi, khi chăm bón và sao chè người làm chè phải hứng chịu những tác động xấu từ thuốc hóa học trước tiên. Vì vậy, hiện gần 90% số hộ trong xóm đã chuyển sang sản xuất chè an toàn. Chúng tôi đã dùng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay vì phân đạm như trước kia đồng thời cũng chuyển từ thuốc trừ sâu hóa học sang dùng thuốc trừ sâu thảo mộc. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi cũng dùng một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định, chỉ phun thuốc sau khi đã thăm chè, phát hiện bệnh, chứ không dùng định kỳ, tràn lan. Chè chỉ được thu hái khi đã đủ thời gian cách ly theo quy định. Nếu so với quy trình sản xuất chè trước đây thì việc thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn sẽ tiết kiệm được khoảng 30% các khoản chi phí mà lại an toàn cho người làm chè và người tiêu dùng.

 

Còn gia đình chị Trần Thị Hường, một trong những hộ có kinh nghiệm sản xuất chè ngon của làng nghề cho biết: Được tham gia các lớp tập huấn chúng tôi hiểu rõ, muốn có sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì phải tuân thủ các quy trình sản xuất chè an toàn từ các công đoạn chăm bón, thu hái đến chế biến và bảo quản. Hiện nay, chúng tôi đã nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, từ đó cho những sản phẩm chè chất lượng tốt. Gia đình tôi có 12 sào chè, mỗi năm sản xuất được 8 lứa, mỗi lứa cho thu gần 2 tạ chè búp khô. Với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư chi bộ xóm Làng Cháy cho biết thêm, hiện tại, trung bình mỗi cân chè khô thành phẩm của người dân trong xóm có giá bán khoảng 200 nghìn đồng, tăng gần 100 nghìn đồng so với trước đây. Quan trọng nhất là chúng tôi đã sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt mà vẫn giữ gìn được môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Tính trung bình mỗi năm xóm Làng Cháy sản xuất được trên 450 tấn chè khô, doanh thu từ chè của xóm đạt gần 85 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trồng khác. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo tiếp cận đa chiều chỉ còn 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,2 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng/người/năm so với đầu năm 2012. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để người dân trong xóm phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.