Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp

08:22, 02/12/2016

Được sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu rất lớn của hơn 1,2 triệu dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, mong muốn này của người dân chưa được đáp ứng bởi tình trạng người sản xuất vẫn đang sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt... Đây là lý do khiến cho thực phẩm “bẩn” vẫn  hiện diện trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Thực tế này đang là một thách thức lớn đối với các cấp, ngành chức năng của tỉnh.

Với 752 trang trại chăn nuôi, trong đó có 409 trang trại chăn nuôi lợn, 343 trang trại chăn nuôi gà và hàng chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm, tỉnh ta cung cấp cho thị trường trên 100 nghìn tấn thịt hơi các loại. Ngoài ra, với lợi thế là vùng chè đặc sản của cả nước và có nhiều tiềm năng trong sản xuất rau xanh, hoa quả, mỗi năm, Thái Nguyên còn cung cấp cho thị trường trên 200 nghìn tấn chè búp tươi, khoảng 300 tấn rau, củ, quả các loại… Tuy nhiên, vì mục đích kinh tế mà nhiều nhà sản xuất vẫn sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Điều này đang tạo ra mối lo cho sức khoẻ cộng đồng. Theo thông tin ngành Nông nghiệp và PTNT cung cấp, từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra 347 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, trong đó có 91 cơ sở vi phạm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kinh doanh thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ, liều lượng… Chị Lê Thị Minh, ở tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho hay: Chúng tôi mua thực phẩm bằng niềm tin nên những chỗ quen biết họ nói đó là thịt “sạch”, rau “sạch” thì chúng tôi biết vậy chứ chưa thấy cơ quan quản lý Nhà nước nào kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm của những của hàng bán thực phẩm này. Vì thế, chúng tôi vừa ăn, vừa lo thực phẩm đó không an toàn, ảnh hưởng đến sức khoẻ…

 

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hình thức phát tờ rơi, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cụm loa truyền thanh xóm…, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức ký cam kết với gần 240 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP)… Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân lớn nhất là do đơn vị chưa được trang bị thiết bị để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP, do vậy không chủ động được yêu cầu về quản lý, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP. Thêm vào đó, kinh phí phân bổ cho công tác này còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và chưa xây dựng được các chuỗi cung cấp thực phẩm ATTP trên địa bàn tỉnh; chưa có chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Trong khi đó, của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và người dân trong tỉnh chưa phát huy vai trò tham gia giám sát bảo đảm ATTP, đấu tranh các hành vi vi phạm…

 

Ngoài những khó khăn nêu trên thì thực trạng lực lượng làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP ở cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm và chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo đảm ATVSTP trong nông nghiệp của tỉnh.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATVSTP trong nông nghiệp, trước hết các chương trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần bám sát vào mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế để tạo ra các sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao. Trong đó ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, Utz…) vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh nên phát triển hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm ATVSTP, có lòng tin đối với người tiêu dùng; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các mô hình sản xuất, chế biến theo hình thức đối tác công tư (PPP – Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác đầu tư và thực hiện); tăng cường quản lý Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; quản lý chất lượng ATTP gắn với bảo vệ môi trường; hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp; đầu tư mua sắm thiết bị cho ngành Nông nghiệp và PTTN kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP…